Tăng cường công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm trong các cơ quan báo chí

Chiều 17/5, tại Hải Dương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí khu vực phía Bắc.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tú/ TTXVN

Tiến sỹ Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho biết: Nước ta hiện có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó có hơn 700 cơ quan báo viết với hơn 1.000 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương; cùng với đó là hàng trăm báo, tạp chí điện tử, hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp tạo nên sức lan tỏa rất lớn.

Hầu hết các loại hình đều dành dung lượng đáng kể để tuyên truyền về lĩnh vực việc làm, thông tin thị trường lao động, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp với nhiều nội dung phong phú, có chất lượng, dành được sự quan tâm rất lớn của độc giả. Nhờ đó, nhận thức của nhân dân về lĩnh vực này đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay cùng những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực việc làm, phát triển thị trường lao động, giảm thiểu thất nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc tuyên truyền về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp trên các ấn phẩm báo chí còn một chiều, chỉ phản ánh đậm nét về lĩnh vực này khi có các vụ việc phát sinh. Nội dung tuyên truyền về việc làm chưa phản ánh sinh động thực tế, hình thức chưa phong phú, mới chỉ đưa tin phản ánh sự kiện, giới thiệu quan điểm, chủ trương, chưa có bài viết sâu sắc tổng kết, đánh giá, thiếu các loại bài bình luận, chuyên luận mang tính khái quát cao... Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí còn những hạn chế nhất định. Một số cơ quan báo chí tiếp cận, khai thác thông tin về việc làm, thị trường lao động... còn khá bị động, phụ thuộc vào thông tin từ các cơ quản lý, chưa có sự đào sâu khai thác từ thực tiễn...

Để đổi mới thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực này, Quyền Tổng Biên tập Báo Lao động xã hội Phạm Trung Chính cho rằng cần có sự chủ động chia sẻ thông tin hai chiều giữa báo chí và các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, để truyền thông hiệu quả lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả, các phóng viên báo chí cần trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận vấn đề an sinh xã hội để có cách nhìn toàn diện, sâu sắc. Bên cạnh việc chuyển tải nội dung các chủ trương, chính sách, các cơ quan báo chí cần đăng, phát nhiều bài phản ánh, giới thiệu những tấm gương điển hình trong thực hiện chế độ, chính sách... từ đó nhân rộng những điển hình khác; kịp thời lên án những hành vi tiêu cực, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng vi phạm các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trục lợi bảo hiểm y tế, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Hình thức truyền thông cần sinh động, phù hợp với trình độ, thói quen, tâm lý tiếp nhận của người lao động, người sử dụng lao động... Nâng cao được nhận thức, sự biểu biết về chính sách việc làm, quản lý lao động, chính sách bảo hiểm cho chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ tạo sự đồng thuận xã hội, hướng tới hoàn thành các mục tiêu về việc làm, bảo hiểm cho người lao động.

Phúc Hằng- Mạnh Tú (TTXVN)
Sửa đổi quy hoạch mạng lưới đại diện cơ quan báo chí ở nước ngoài
Sửa đổi quy hoạch mạng lưới đại diện cơ quan báo chí ở nước ngoài

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1378/QĐ-TTg ngày 12/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN