Bác sĩ Lâm Quang Đạo, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan, cho biết: “Ngay từ khi thành lập năm 1965, Trung tâm được giao nhiệm vụ khắc phục khó khăn trong thời chiến, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho thương binh, hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, điều trị, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, giải quyết chế độ chính sách cho TBB tâm thần nặng mãn tính…”.
Dạo quanh Trung tâm, chúng tôi thấy điều kiện ăn ở của TBB rất tốt, các TBB được ở trong những căn phòng khang trang, thoáng mát với đủ tiện nghi sinh hoạt. Các chế độ, tiêu chuẩn được minh bạch, công khai. Bữa ăn hàng ngày đảm bảo đủ dinh dưỡng, thức ăn được lưu mẫu và kiểm định tránh lây lan bệnh dịch qua thực phẩm, chế độ ăn tuân thủ chặt chẽ theo bệnh lý, kết hợp tốt giữa điều trị và nuôi dưỡng.
Đến nay, Trung tâm được coi là cơ sở điều dưỡng thương, bệnh binh tâm thần lớn nhất cả nước (có lúc lên tới hơn 200 người). Hiện nay, ngoài nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và giải quyết chế độ chính sách cho hơn 100 thương bệnh binh bị mắc bệnh tâm thần mãn tính, mất sức từ 81% trở lên ở 25 tỉnh, thành phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra); Trung tâm còn được UBND tỉnh và Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình giao nhiệm vụ tiếp nhận điều trị, quản lý, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 40 đối tượng xã hội bị mắc bệnh tâm thần mãn tính. Trong thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng được nhiều phác đồ điều trị, áp dụng cho các thể bệnh có hiệu quả, nhờ đó tỷ lệ bệnh nhân ổn định năm sau cao hơn năn trước và 10 năm gần đây trung tâm không có bệnh nhân bỏ trốn.
Ân cần chăm sóc những bệnh nhân già yếu, bác sĩ Phan Thị Nhung, Khoa bệnh nhân phục hồi cho biết: “Bình thường thì ai cũng hiền lành, dễ gần, nhưng mỗi lúc bệnh nhân bị kích động lên cơn, họ dữ tợn lắm. La hét, chạy khắp khoa, phòng, thậm chí đuổi đánh cả y bác sĩ, lãnh đạo Trung tâm. Những lúc như vậy, anh chị em chúng tôi không ai cầm được nước mắt, không một lời kêu ca, than phiền hay cau gắt, mà càng đồng cảm, thương yêu bệnh nhân như những người thân trong gia đình mình”. Nói đến đó, chị Nhung quay mặt đi để tránh những giọt mồ hôi hòa trong nước mắt rơi trên vai áo. Quả thật, việc chăm sóc những TBB nặng đã khó, nhưng việc “chiều lòng” những TBB tâm thần mãn tĩnh lại càng khó hơn.
Với đặc thù là đơn vị phục vụ TBB nặng mất khả năng tự chủ và tư duy, nhiều người tuổi đã cao, sức khoẻ suy giảm, bệnh nội, ngoại khoa phát sinh, một số khác lại mắc bệnh hiểm nghèo nên mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ. Trước những khó khăn đó, đòi hỏi những cán bộ, viên chức Trung tâm đã biết vượt lên những trở ngại, mang tình yêu thương từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà cảm thông, chia sẻ và chăm sóc TBB. Làm theo lời Bác, mỗi cán bộ, công nhân viên nơi đây đều coi TBB như người nhà, không quản ngại khó khăn, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ… làm tốt công tác điều dưỡng, điều trị cho TBB.
Được biết, với những thành tích đã đạt được, Trung tâm điều dưỡng TBB Nho Quan đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Chia tay chúng tôi, bác Lê Chí Viễn, 73 tuổi, quê ở Khoái Châu (Hưng Yên), thương binh 81% xúc động nói: “Nhờ có Đảng và Nhà nước quan tâm, sự tận tình chu đáo của các y bác sĩ Trung tâm điều dưỡng TBB Nho Quan mà sức khỏe của anh em chúng tôi đã dần bình phục. Mong sao các y bác sĩ tiếp tục áp dụng mô hình quản lý, chăm sóc tốt để tạo điều kiện cho các TBB vượt lên số phận, tiếp tục sống quãng đời còn lại có ích cho đời và xã hội”.
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn