Tái thiết sau bão số 3: Nhiều công trình thiết thực hỗ trợ đồng bào khu vực phía Bắc

Những ngày qua, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị tại các tỉnh, thành phố đã tổ chức những hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm trợ giúp người dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc sớm ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Khu lán tạm với 22 căn được xây dựng cho người dân xóm Thượng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai (chụp sáng 19/9). Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Các cơ quan báo chí hỗ trợ nhiều công trình thiết thực

Chiều 20/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ xuất quân thực hiện các công trình của các cơ quan thông tin đại chúng của Thành phố hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3 với tổng kinh phí hơn 43 tỷ đồng. 

Cụ thể, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố hỗ trợ, xây mới, sửa chữa các công trình dân sinh ở các tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai với tổng trị giá khoảng 8,5 tỷ đồng. Báo Tuổi trẻ phối hợp với Thành đoàn hỗ trợ dụng cụ học tập, cung cấp học bổng cho học sinh, hỗ trợ sinh kế, sửa chữa xây dựng điểm trường, nhà bán trú cho học sinh vùng bị bão lũ với tổng số tiền 19 tỷ. 

Báo Người Lao động phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố ủng hộ 12 tỷ đồng hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, thiệt hại nặng tại Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng; xây dựng nhà dân, điểm trường, hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại nặng, trao học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo tại một số tỉnh, thành phố miền Bắc. Báo Phụ nữ phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố xây mới 5 căn nhà tại tỉnh Cao Bằng trị giá 350 triệu đồng. 

Báo Sài Gòn Giải phóng phối hợp với Hội Nông dân Thành phố hỗ trợ tu sửa trường, tặng học bổng và vật dụng thiết yếu giúp học sinh trở lại học tập tại 4 trường thuộc tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Lào Cai và huyện ngoại thành Hà Nội với tổng giá trị 1,2 tỷ đồng. Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Cựu Chiến binh Thành phố hỗ trợ 470 triệu đồng cho 47 hộ dân dựng lại nhà cửa bị hư hỏng nặng do bão số 3 và lũ lụt, sạt lở ở tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ủng hộ xây nhà tình thương, trao trang thiết bị trường học, sách giáo khoa và vở các cháu đến trường sau bão lũ với tổng trị giá 2 tỷ đồng.

Phát biểu tại Lễ xuất quân, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận, đánh giá cao các tổ chức chính trị - xã hội và một số cơ quan truyền thông của Thành phố cùng Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thành ủy triển khai kịp thời các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng bền vững, trợ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống như: xây dựng, sửa chữa, phục hồi trường học bị hư hại, nhà cửa cho người dân bị thiệt hại; đưa trẻ em sớm được trở lại trường, lớp và đảm bảo được điều kiện học tập cho năm mới.

Ông Nguyễn Phước Lộc đề nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố, các cơ quan thông tin, truyền thông triển khai chương trình đảm bảo an toàn, hiệu quả với sự phối hợp đồng bộ để có kết quả thống nhất, toàn diện, tạo sự lan tỏa, tác động xã hội tốt. Hoạt động hỗ trợ phải đảm bảo tính minh bạch thông tin về sự điều phối trợ giúp, đối tượng thụ hưởng sát với điều kiện, nhu cầu của người dân và địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ.

Chung tay quyên góp ủng hộ học sinh vùng lũ lụt

Với truyền thống “tương thân, tương ái”, các trường học tại Ninh Bình triển khai hoạt động quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, quần áo... gửi về vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Trường Tiểu học Nam Thành, thành phố Ninh Bình đã phát động và bắt đầu nhận ủng hộ đồng bào lũ lụt từ ngày 12/9. Nhà trường đã nhận được gần 5.000 quyển vở, gần 1.500 bút các loại và hàng trăm cặp sách, đồ dùng học tập khác. Đặc biệt năm nay,  nhà trường quyết định thay đổi hình thức tổ chức Tết Trung thu. Thay vì tổ chức các hoạt động hội chợ, vui chơi và biểu diễn văn nghệ chào mừng như thường niên, trường tổ chức chương trình Trung thu với chủ đề “Trao gửi yêu thương” nhằm tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh dành phần kinh phí tổ chức hoạt động này tại trường hằng năm để ủng hộ các em nhỏ chịu thiệt thòi do bão, lũ.

Cô Đinh Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành cho biết, nhà đa năng của trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chọn làm địa điểm tập kết sách vở, đồ dùng để phân loại, đóng gói. Nhà trường phân công các tổ tham gia phân loại, đóng gói sách, vở, đồ dùng học tập theo đúng chủng loại và đảm bảo trong quá trình vận chuyển. Cô Đinh Thị Anh Đào hy vọng, mọi sự đóng góp, giúp đỡ, dù nhỏ bé đều sẽ trở thành nguồn động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào vùng lũ sớm vượt qua mất mát, đau thương; đồng thời lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu thương, lòng nhân ái, sẻ chia đến cộng đồng và giáo dục tinh thần nhân ái cho học sinh.

Thực hiện hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình, thầy và trò Trường Tiểu học Lý Tự Trọng tích cực hưởng ứng phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ vừa qua. Đến nay, nhà trường nhận được 3 tấn hàng, phân loại, đóng gói thành 135 thùng bao gồm sách, vở, bút và nhiều đồ dùng học tập khác. Cô Nguyễn Thị Kim Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng chia sẻ, người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt đang cần sự quan tâm, sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái từ toàn xã hội. Hình ảnh học sinh chuẩn bị những tập vở, đồ dùng học tập... để ủng hộ các bạn nhỏ vùng bão, lũ thật sự rất xúc động và đầy tình yêu thương. 

Hưởng ứng đợt phát động chung của cả nước và của tỉnh, ngành Giáo dục Ninh Bình kêu gọi toàn ngành, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên cùng tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành chung tay, góp sức cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ nói chung và ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng. Bên cạnh ủng hộ về tiền, ngành còn phát động cán bộ, giáo viên, học sinh chia sẻ tình cảm "tương thân, tương ái", hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập.

Ông Phan Thành Công, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết, chỉ trong thời gian rất ngắn, đợt quyên góp ủng hộ nhận được sự hưởng ứng sâu rộng trong toàn ngành. Đây là hoạt động, việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, giúp học sinh phát huy truyền thống "nhường cơm sẻ áo" của dân tộc, giáo dục các em biết sẻ chia, đoàn kết chung tay giúp đỡ các bạn và đồng bào đang gặp khó khăn do thiên tai.

Xuân Khu - Thùy Dung (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN