Cát tặc” hoành hành:

Sông đổi dòng, đê điều sạt lở

Tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây đang khiến dư luận không khỏi lo âu. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước, thay đổi dòng chảy, mà nguy hại hơn là hoạt động này còn uy hiếp nghiêm trọng sự an toàn của hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố. Hàng loạt sự cố sạt trượt xảy ra trên các tuyến đê mới đây mà nguyên nhân được xác định có liên quan đến việc khai thác cát đã là một “minh chứng” rõ ràng.

“Sát hại” lòng sông

Đội tuần tra kiểm soát cảnh sát giao thông đường thủy số 1 truy bắt tàu VP 0116 khai thác cát trái phép.

Vào một ngày giữa tháng 11, chúng tôi cùng tham gia với các chiến sĩ của Đội tuần tra kiểm soát cảnh sát giao thông đường thủy (CSGTĐT) số 1 trong cuộc hành trình dọc tuyến sông Hồng, để kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trái phép. Đây là đơn vị quản lý hai tuyến sông chính gồm 32,3 km sông Đà, 51 km sông Hồng, đoạn chảy qua 43 xã, phường của các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Chiếc canô cao tốc lướt trên mặt nước sông Hồng rộng mênh mang, đỏ ngầu phù sa. Đại úy Khuất Hồng Sơn, Đội phó Đội CSGTĐT số 1 cho biết: “Sông là nguồn sống của mọi người, từ nước sinh hoạt hàng ngày đến nước tưới cho nông nghiệp, lại cũng là huyết mạch giao thông vận tải thủy. Nhưng giờ đây nó đang là miếng mồi béo của các đối tượng khai thác cát trái phép”.

Theo các cán bộ chiến sĩ Đội CSGTĐT số 1, cũng như nhiều đối tượng phạm pháp khác, thủ đoạn hoạt động của bọn “cát tặc” rất tinh vi. Chúng thường chọn những địa bàn vắng người, giáp ranh giữa Sơn Tây và Ba Vì, Phúc Thọ và Đan Phượng, Đan Phượng và Mê Linh neo đậu, sau đó thả “vòi rồng” xuống sông hút cát. Mỗi tàu có tới 4-5 máy hút tốc lực, chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ đã có thể chất đầy khoang thuyền với tải trọng từ 800 - 1.000 tấn. Nếu bị phát hiện, chúng nhanh chóng chạy trốn các cơ quan chức năng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tuấn Long, Đội phó Đội CSGTĐT số 1 cho biết: Chi phí cho 1 m3 cát khi khai thác lén lút khoảng 70.000-80.000 đồng. Nhưng khi cập bến, bán ra có thể kiếm lời gấp 3 lần. Thậm chí nếu “găm” hàng lại, đợi vào mùa dòng sông khan cạn, tàu thuyền đi lại khó khăn và cũng là thời điểm mùa xây dựng, thì giá cát sẽ tăng lên 280.000 - 350.000 đồng/m3. Vì thế, việc khai thác, kinh doanh cát là một vốn bốn, năm lời.

Đầu tư ít, lợi nhuận cao như vậy, nên những đối tượng khai thác cát trái phép vì hám lợi đã rất manh động và liều lĩnh. Chúng hoạt động theo phương thức: Hút trộm, chạy trốn và chống đối lực lượng chức năng khi bị truy đuổi. Điển hình là vụ bắt giữ tàu NB-6365 do Dương Văn Tùng, trú quán xã Đông Thượng, huyện Ninh Phúc, tỉnh Ninh Bình điều khiển, hồi tháng 3 vừa qua. Trong đêm tối, Dương Văn Tùng đã điều khiển tàu có trọng tải gần 1.000 tấn, lặng lẽ rẽ nước sông Hồng, về phía khu vực kè Thụy Phú, huyện Phú Xuyên để hút trộm cát. Khi phát hiện, tổ công tác của Đội tuần tra kiểm soát CSGTĐT số 3 đã ập tới, bắt giữ. Lái tàu Dương Văn Tùng đã chống trả quyết liệt nên đơn vị đã phải tăng cường thêm một tổ công an hỗ trợ mới bắt được phương tiện và đối tượng.

Việc phát hiện, bắt giữ đối tượng khai thác cát trái phép đã khó, nhưng việc xử lý lại càng khó hơn. Chúng rất manh động và luôn giằng co, chống đối, không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho lực lượng kiểm tra, để phương tiện trôi tự do... gây khó khăn cho việc xử lý. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn khác còn là việc thiếu bến bãi tạm giữ phương tiện vi phạm. “Mỗi chiếc tàu dài gần 20 m, rộng 4-5 m. Càng bắt nhiều càng thiếu chỗ neo đậu. Thực tế này khiến nhiều địa bàn rất “ngại” xử lý tàu, thuyền khai thác cát trái phép, ngay cả khi chế tài áp dụng phạt là rất nghiêm khắc” - Đội phó Đội CSGTĐT số 1 Nguyễn Tuấn Long bộc bạch.

Không còn là ẩn họa

Toàn thành phố Hà Nội hiện có 214 bến bãi chất chứa vật liệu xây dựng (VLXD), nhưng chỉ có 32 bến bãi có cấp phép. Đáng lo là hơn 50% số bến bãi này đang vi phạm về diện tích tập kết VLXD, hoặc hoạt động chuyên chở, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn hệ thống đê, kè cũng như dòng chảy của sông. Nguy hại hơn, việc chất chứa cát, sỏi còn làm sạt lở bờ sông và đê, kè, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân sống bên hành lang đê.

Chất chứa cát, sỏi trên thân đê quá lớn là nguyên nhân gây sạt lở đê hữu Hồng.

Việc khai thác cát trái phép tràn lan đã làm thay đổi dòng chảy của sông, gây sạt lở đê điều kể cả ngay trong mùa khô. Vụ sạt trượt xảy ra tại vị trí từ K29 + 850 đến K30 + 050 kè Hồng Hậu, tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua địa bàn UBND phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây mới đây chính là tiếng chuông cảnh báo mối nguy hại này. Mục sở thị trên tuyến đê này, chúng tôi nhìn rõ những vết sạt trượt dài, nham nhở, nhiều chỗ đã ăn sâu vào cả trăm mét như muốn xé toạc con đê. Nguyên nhân được xác định có liên quan đến khai thác cát trái phép và tập kết cát trên thân đê quá tải trọng. Hàng ngàn mét khối cát khi chất chứa lên đê tạo thành “những ngọn núi” cao ngút tầm mắt. Sức nặng của những quả núi lúc bình thường đã đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của đê, nhưng thêm những trận mưa, cát ngấm nước thấm xuống cơ đê, thì hiểm họa càng trở nên khó lường...

Trao đổi về tình hình phức tạp của vấn nạn khai thác, kinh doanh cát cùng nạn “cát tặc”, lãnh đạo Phòng CSGTĐT Hà Nội cho biết: “Đại đa số “cát tặc” là những người dân nghèo, trình độ dân trí thấp nên việc nhận thức và chấp hành pháp luật, trong đó có Luật Giao thông đường thủy rất hạn chế. Chúng tôi xác định giải quyết vấn nạn này là một trong những công tác trọng tâm cần tập trung giải quyết. Vì thế, từ đầu năm đơn vị đã triển khai kế hoạch tập trung xử lý việc khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông, trong đó chú trọng vào hai tuyến sông Hồng và sông Đuống”.

Theo đó, cùng với việc chủ động và kiên quyết xử lý vi phạm nạn khai thác cát trái phép, Phòng CSGTĐT Hà Nội đã tổ chức họp với các chủ thuyền, chủ bến bãi để tuyên truyền kiến thức pháp luật cũng như cảnh báo, răn đe đối với những trường hợp vi phạm. Đối với những bến bãi không phép, đơn vị kiên quyết yêu cầu chủ bến bãi phải “đóng bến”. Những bến bãi có phép, đơn vị phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức đo đạc, xác định diện tích để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, không làm ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của tàu thuyền. Tại các điểm nhạy cảm có nguy cơ sạt lở cao, Phòng CSGTĐT cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại để phòng ngừa những sự cố nguy hiểm có thể xảy ra, nhanh chóng phát hiện, bắt giữ và xử lý những đối tượng “cát tặc”.

Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cũng khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão trên địa bàn; cương quyết ngăn chặn và xử lý triệt để những vi phạm mới phát sinh. Các hạt quản lý đê cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện và lập biên bản kịp thời các trường hợp vi phạm; phối hợp đôn đốc chính quyền các địa phương ngăn chặn và xử lý có hiệu quả những hành vi vi phạm.

Đây là động thái cần thiết của các ngành chức năng, nhưng về lâu dài, để giải quyết tận gốc nạn khai thác cát trái phép rất cần các cơ quan chức năng có giải pháp căn cơ, hữu hiệu hơn.

Viết Tôn - Anh Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN