Thực hiện “đồng bộ, dữ liệu và chủ động”
Từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Những câu hỏi lớn về ứng dụng công nghệ trong quản trị, hạ tầng số, an toàn thông tin và bài học từ thực tiễn địa phương sẽ được phân tích tại Tọa đàm “Chuyển đổi số - Cầu nối ‘sống còn’ giữa hai cấp chính quyền địa phương” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 24/7.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho vận hành chính quyền địa phương hai cấp, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thức rất rõ, nền tảng số là một yếu tố quan trọng để bảo đảm việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng như điều hành của chính quyền khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp.
Người dân Hà Nội có thể nộp hồ sơ trực tuyến một số thủ tục liên quan đến đất đai. Ảnh: Quang Phong
Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng với UBND TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp công nghệ số thí điểm việc nâng cấp 5 hệ thống thông tin để phục vụ vận hành chính quyền mới. Việc chọn TP Hồ Chí Minh vì đây là địa phương sát nhập 3 tỉnh có quy mô lớn, có cấu trúc hệ thống thông tin phức tạp để thí điểm.
“Sau thời gian thí điểm, chúng tôi tiếp tục dựa trên kết quả thí điểm để có văn bản hướng dẫn lại nâng cấp hệ thống thông tin để đảm bảo vận hành. Tất cả các bộ, ngành triển khai công khai các quy trình thủ tục hành chính theo 28 nghị định về phân cấp phân quyền của các bộ, ngành cho các địa phương. Đây là một yếu tố rất quan trọng. Vì khi chúng ta phân cấp, phân quyền mà các thủ tục hành chính không được triển khai thì địa phương sẽ tắc”, ông Phạm Đức Long cho biết.
Bộ KH&CN cũng yêu cầu 2 doanh nghiệp bưu chính là VNPost và Viettel Post, mỗi đơn vị cử một người túc trực tại các xã để hỗ trợ việc tiếp nhận hồ sơ khi người dân đến làm hồ sơ trực tuyến tại các xã mới này. Hiện có hơn 12.000 cán bộ của các doanh nghiệp công nghệ số tham gia đồng hành với 3.219 xã để triển khai chuyển đổi trong quá trình sáp nhập. Bên cạnh đó, còn có lực lượng công an, quân đội và sinh viên tình nguyện cũng vào cuộc.
Ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, ngay khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 vào cuối năm 2024, Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố cũng như các cấp chính quyền của Thành phố tại thời điểm đó và cả sau này đều xác định rằng đây là chiếc chìa khóa vàng. Nghị quyết này không đơn thuần chỉ là nghị quyết về chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mà quan trọng hơn là thiết kế lại mô hình quản trị đô thị.
Kinh nghiệm của Hà Nội khi triển khai giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến được gói gọn trong 3 yếu tố: “Đồng bộ, dữ liệu và chủ động. Sau 3 tuần chính thức vận hành, thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 66 nghìn hồ sơ trực tuyến”, ông Trương Việt Dũng cho biết.
Liên thông dữ liệu
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết: Đánh giá cơ bản bước đầu việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến đáp ứng được yêu cầu nhưng còn nhiều vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập tổ liên ngành đến 4 địa phương và khảo sát hơn 11 xã, phường. Chúng tôi đã nêu 25 nhóm vấn đề và chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, từng địa phương phải làm để thúc đẩy giải quyết các vấn đề này.
Đó là việc cấu hình các thủ tục hành chính chưa chuẩn do thời gian gấp chuyển từ các huyện về tuyến xã và 28 Nghị định, các thủ tục hành chính từ các bộ, ngành chuyển về địa phương dẫn đến quy trình nội bộ chưa đáp ứng. Nhiều địa phương cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Hoặc lực lượng cán bộ chuyển xuống xã triển khai giải quyết thủ tục hành chính nhưng năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính cũng chưa đủ. Hoặc khi nhập tỉnh, dữ liệu của các xã, các địa phương kết nối cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông.
“Ở các bộ, ngành đang tồn tại vấn đề như chữ ký số chưa cung cấp đầy đủ, vì vậy cán bộ công chức không thể thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số. Thông qua quá trình triển khai chính quyền hai cấp cho thấy một số hệ thống thông tin của các bộ, ngành có vấn đề. Cụ thể, việc chưa kết nối, chưa cung cấp đầy đủ thông tin để địa phương có thể sử dụng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, dẫn đến ách tắc. Chúng tôi sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ họp, đánh giá lại 25 nhóm tồn tại. Khi giải quyết 25 nhóm vấn đề này, chúng ta sẽ giải quyết được việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trong giai đoạn trước mắt”, ông Phạm Đức Long nhận xét.
Về căn cơ, hiện nay Ban chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch 02 về thúc đẩy chuyển đổi số, liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Kế hoạch này đưa ra các nhóm nhiệm vụ đến cuối năm nay phải giải quyết xong gồm: Thể chế, hạ tầng công nghệ và hạ tầng số, các vấn đề về dữ liệu, nền tảng và dịch vụ, nhân lực số, đảm bảo tài chính cho chuyển đổi số.
Phát huy vai trò các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương là "nhạc trưởng" về tiêu chuẩn kỹ thuật và kết nối hệ thống, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng: Tiêu chuẩn rất quan trọng, tiêu chuẩn là để dẫn đường. Chuyển đổi số muốn đạt kết quả phải xây dựng các bộ tiêu chuẩn để làm việc này.
“Các đơn vị mới chỉ tập trung vào các tiêu chuẩn của hệ thống thông tin, chưa tập trung nhiều vào tiêu chuẩn về chuyển đổi số. Ví dụ như chất lượng của các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính như thế nào, chúng ta chưa có”, ông Phạm Đức Long cho biết.
Do chưa có hệ thống tiêu chuẩn nên các địa phương xây dựng hệ thống chất lượng khác nhau, dẫn đến dịch vụ công người dân được trải nghiệm khác nhau, rồi chính quyền điều hành cũng khác nhau, khó liên thông đồng bộ. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung ban hành, xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn để phục vụ chuyển đổi số. Các Sở Khoa học và Công nghệ là người triển khai mà là người điều phối, để bảo đảm tất cả các ngành cùng theo một quy chuẩn, tiêu chuẩn về chuyển đổi số, đảm bảo được sự kết nối, sự liên thông đồng bộ, bảo đảm được các doanh nghiệp xây dựng được nền tảng số đáp ứng tiêu chuẩn và liên thông được.
Ông Trương Việt Dũng cho biết: Hiện nay, hơn 2.000 quy trình, chúng tôi đã thiết kế lại đồng bộ và tập trung vào khoảng 100 thủ tục phát sinh hồ sơ nhiều, như lý lịch tư pháp, giao dịch đảm bảo hay là thủ tục khai sinh, đăng ký thường trú, cũng như bảo hiểm xã hội cho trẻ em dưới 6 tuổi. Chúng tôi đã giao chỉ tiêu KPI và hướng tới mục tiêu đến ngày 30/7, tại 126 xã, phường cũng như thành phố phải đảm bảo 80% thủ tục hành chính trực tuyến và ít nhất 20% toàn trình. Ở đây, chúng tôi gắn với trách nhiệm của đồng chí cấp trưởng.
Ông Phạm Đức Long cho rằng, hiện nay muốn chuyển đổi số là phải có dữ liệu, không có dữ liệu thì không nói chuyển đổi số, chúng ta chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin thôi. Trong Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương đã đưa ra mục tiêu: Phải xây dựng 12 cơ sở dữ liệu trọng yếu (hiện nay chúng ta mới làm được 50%). Đồng thời 116 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành phải đưa vào vận hành khai thác vào cuối năm 2025.
“Nếu không có dữ liệu và dữ liệu đó không được chia sẻ xuống cho các địa phương, cho các xã thì chúng ta không thể giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho người dân được. Vì không có dữ liệu chúng ta không làm gì được. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải triển khai, đưa vào khai thác các cơ sở dữ liệu này. Dữ liệu phải đạt 100%, nếu 95% cũng không thể giải quyết hồ sơ toàn trình. Trong Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo, đến cuối năm nay chúng ta phải đưa 1139 thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ thay thế bằng dữ liệu, cắt giảm giấy tờ và cắt giảm chi phí. Đấy là một mục tiêu mà tôi nghĩ rằng là điều tiên quyết chúng ta phải làm từ nay đến cuối năm”, ông Phạm Đức Long cho biết.
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết: Việc thực hiện chính quyền 2 cấp tạo áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương và hệ thống chính trị cấp xã, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, đấy là khi chúng ta đang thực hiện yêu cầu rất mạnh mẽ về chuyển đổi số hiện nay, áp dụng khoa học công nghệ thì những đòi hỏi về kỹ năng, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức càng ngày phải càng cao.
“Về giải pháp, chúng ta khẳng định một điều, con người bao giờ cũng nắm vị trí trung tâm, thất bại hay thành công đều đến từ nguồn nhân lực. Do vậy, phải có được một đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vừa có các kỹ năng, giải quyết công việc hằng ngày tốt, nắm vững kiến thức về pháp luật, chuyên môn trong giải quyết công việc hằng ngày của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Để giải quyết bài toán hiệu quả trong vận hành và giảm bớt phần nào áp lực đối với chính quyền địa phương cấp xã, trong đó có đội ngũ cán bộ công chức, chắc chắn chúng ta phải đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành và đổi mới cách thức vận hành hệ thống. Nhiều địa phương đã có nhiều cách làm mới. Vấn đề khoa học công nghệ, dữ liệu ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong tổ chức mô hình chính quyền hai cấp là rất quan trọng. Ngoài vấn đề nguồn nhân lực thì chúng ta cần đầu tư nâng cao hơn chất lượng hạ tầng cơ sở, hạ tầng số ngay từ lúc đầu…”, ông Phan Trung Tuấn cho biết.