Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá về tài liệu kỹ năng mềm triển khai tại 2 trường cao đẳng nghề. |
Ngày 23/5, tổ chức Plan International phối hợp cùng với trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị tổ chức hội thảo "Công bố tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề".
Bộ tài liệu được xây dựng dựa trên đánh giá thực trạng kiến thức, kỹ năng sống của thanh niên đang theo học chương trình nghề và yêu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Sau 2 năm triển khai và áp dụng, 100% sinh viên của hai trường Cao đẳng nghề đã được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm thích ứng được với môi trường học nghề, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng bước vào thị trường lao động.
Đối với thanh niên học nghề nói chung và nhóm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, việc phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc càng trở nên quan trọng và cần thiết để nắm bắt cơ hội thành công cho chính họ. Trong bối cảnh của Việt Nam, thị trường lao động luôn yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng và tận tâm. Trong khi đó, nhận thức về ý nghĩa của việc học nghề, có việc làm ổn định vẫn là một khoảng trống đối với thanh niên tham gia học nghề.
Bà Lê Quỳnh Lan, đại diện Plan Việt Nam cho biết: Từ thực tế khảo sát, chương trình đào tạo cho thanh niên được chia thành 2 mảng: Đào tạo về kỹ năng nghề và kỹ năng thích ứng thị trường lao động (hay còn gọi là kỹ năng mềm). Dự án đã xây dựng một bộ tài liệu đào tạo kỹ năng mềm 60 giờ, bao gồm tài liệu giảng dạy dành cho giáo viên và sách thực hành dành cho học sinh. Bộ tài liệu đã được triển khai thử nghiệm với hơn 2.000 sinh viên của hai trường nghề, được đánh giá có tính áp dụng cao và hiệu quả trong thực tiễn. Bộ tài liệu cũng được xây dựng với mục đích sử dụng rộng rãi cho tất cả các nhóm thanh niên học nghề từ hệ đào tạo trung cấp đến cao đẳng.
“Khi tham gia khóa đào tạo kỹ năng mềm, em đã thực sự thay đổi trong cách nghĩ và giao tiếp với mọi người. Trước đây em không có định hướng cho cuộc sống của mình. Em thậm chí còn không biết làm gì để có thể giúp đỡ được gia đình mình. Bây giờ em đã có kế hoạch rõ ràng cho cuộc sống và làm việc theo nhóm”, Lò Văn Ngọc, khóa trung cấp Đường ống công nghệ 3, đến từ tỉnh Sơn La chia sẻ.
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Đối với các nước phát triển, kỹ năng nghề là môn học bắt. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên trường cao đẳng, trung cấp Việt Nam đang yếu nhất lĩnh vực này, nhất là kỹ năng làm việc theo nhóm, tác phong công nghiệp. Do đó, từ sự chia sẻ tài liệu đã thí điểm tại 2 trường cao đẳng nghề trong thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ hệ thống để hình thành khung chương trình triển khai trên toàn quốc, trong đó, đặc biệt là giáo trình, tài liệu dành cho giáo viên.
Dự án “Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội” do KOICA và Plan International tài trợ với tổng ngân sách 38 tỷ đồng, được thực hiện nhằm tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho hàng ngàn thanh thiếu niên yếu thế. Các em sẽ được đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với hoàn cảnh từng cá nhân. Dự án đặt mục tiêu 70% học viên tốt nghiệp tìm được công ăn việc làm ổn định trong vòng 6 tháng và 70% học viên đóng góp thu nhập cho gia đình trong vòng 4 tháng sau tốt nghiệp.