Sinh viên dân tộc ra trường không có việc làm

Đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao trình độ dân trí và tăng cán bộ người dân tộc địa phương là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nghịch lý là các em đã ý thức vươn lên, theo học các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, nhưng ra trường lại không có việc làm.

Nợ vẫn hoàn nợ

Theo thống kê của UBND xã Thanh Phú, huyện Sa Pa (Lào Cai) số sinh viên trên địa bàn học ra trường thì chỉ có gần 50% xin được việc làm, còn lại thất nghiệp. Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hà Thị Thu ngồi nhẩm tính sơ qua, có tới gần 20 cháu học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ra trường nhưng chưa có việc làm. Số chưa có việc, em nào may mắn thì tìm được nghề phụ khác làm tạm, không thì ở nhà và lập gia đình. Trao đổi về việc con em trong xã học xong vẫn chưa có việc làm, ông Hoàng Đức Sòng, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Thanh Phú lắc đầu, nói: “Tội nghiệp các cháu các anh à! Bố mẹ vất vả vay mượn, bán cả trâu bò, lợn, gà để con ăn học, mong sao sau này có nghề không phải nghèo khổ nữa thì càng đổ nợ, vì ra trường không xin được việc làm. Trong nhà có gì thì bán hết, tiền vay ngân hàng theo chương trình tín dụng sinh viên đến kỳ phải trả, biết lấy đâu ra. Cháu vay ít học trung cấp cũng gần 20 triệu đồng, cháu vay nhiều học đại học thì trên 30 triệu đồng. Không học thì mù chữ, mà học thì tốn kém”.

Mẹ con chị Phan Thị Hằng ở Thanh Phú (Sa Pa) lo lắng vì các con học ra trường không có việc làm, nhưng đến hạn phải trả tiền đã vay.


Thanh Phú là xã khó khăn nằm cách trung tâm huyện Sa Pa khoảng hơn 26 km, dân số hầu hết là người dân tộc Tày và dân tộc Dao, kinh tế chủ yếu dựa vào ruộng nương, chăn nuôi nhỏ, vẫn là tự cung tự cấp. Toàn xã có 400/433 hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách để phát triển kinh tế, mỗi hộ vay khoảng 30 triệu đồng, trong đó có một số gia đình vay thêm tiền cho con ăn học. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách tại huyện Sa Pa cho biết, xã Thanh Phú có 36 hộ đang vay theo chương trình tín dụng học sinh sinh viên, tổng dư nợ là 640 triệu đồng. Nếu chia đều thì mỗi gia đình được vay ưu đãi gần 20 triệu đồng, với thu nhập bình quân đầu người ở xã Thanh Phú chỉ đạt 5 triệu đồng mỗi năm, các em học ra trường không có việc làm thì việc trả nợ của gia đình sẽ khó khăn.

Cuối giờ trưa, cái lạnh gần năm độ C rét buốt. Gia đình chị Phan Thị Hằng ở thôn Mường Bo 1, xã Thanh Phú quây quần bên bếp lửa, ấm nước trên bếp sôi sùng sục. Chị Hằng chỉ tay sang cô con gái ngồi cạnh nói: “Đây là cháu Nông Thị Tinh tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học được gần hai năm và đang ở nhà chờ thi công chức của tỉnh. Còn cháu Nông Thị Hưng học trung cấp y Lào Cai, bốn năm rồi vẫn không xin được việc, hiện cháu đang làm thuê trên Sa Pa. Khổ lắm các chú à! Không cho các ăn con học thì bọn nó dốt và thua kém bạn bè, học xong rồi có hơn được đâu, vì không có việc làm.

Nhà nghèo lấy tiền đâu mà trả khoản nợ vay cho các con ăn học”. Số tiền nhà chị Hằng được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách dành cho học sinh sinh viên là gần 30 triệu đồng, đầu năm 2016 đến phải trả, gia đình lo lắng vì các con chưa có việc làm, không có tiền để trả. Em Nông Thị Tinh ngồi bên mẹ, khuôn mặt buồn vì chưa có việc làm. Tinh nói: “Em đang chờ đợt thi công chức của tỉnh, nhưng khó lắm, vì nhiều người thi tuyển. Năm nay không xin được đi dạy thì em sẽ ra trung tâm huyện làm thuê, kiếm tiền gửi về cho bố mẹ trả nợ”.

Anh Nông Văn Xuân, ở thôn Mường Bo 1, xã Thanh Phú có con là Nông Văn Miu học trung cấp y ra trường, sau ba năm chờ không xin được việc nên lấy chồng. Anh Xuân nói: “Nhìn con đi lấy chồng tôi thương lắm! Số tiền nợ vay cho con ăn học, vợ chồng tôi sẽ cố gắng trả được, nhưng tiếc công con khó nhọc học hành. Về nhà chồng, phận con gái lo sinh con và chăm sóc gia đình thì còn gì nữa là ngành nghề”.

Nỗi lo của chính quyền

Tại buổi làm việc giữa chính quyền xã Thanh Phú (huyện Sa Pa) với lãnh đạo Ngân hàng Chính sách tỉnh Lào Cai, đại diện chính quyền và đoàn thể của xã đều cho rằng nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng nên nhiều hộ đã thoát nghèo, giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, chính quyền xã kiến nghị Ngân hàng Chính sách Lào Cai xem xét kéo dài thời gian hoàn nợ đối với chương trình vay vốn học sinh sinh viên, vì các em ra trường chưa có việc làm không có tiền để trả, các gia đình chủ yếu chỉ trồng lúa và chăn nuôi nhỏ nên rất khó khăn.

Vấn đề lâu dài khiến ông Hoàng Đức Sòng, Bí thư Đảng ủy xã lo lắng: “Chính quyền và các đoàn thể tuyên truyền, vận động vất vả lắm thì phong trào học tập của xã mới phát triển được như bây giờ. Ngày trước, tìm một em có trình độ trung cấp, cao đẳng người dân tộc trên địa bàn là rất hiếm, những năm gần đây các gia đình đã quan tâm và khuyến khích con em đi học, các cháu cũng noi gương nhau để học cao hơn, mong có ngành nghề ổn định, nhưng ra trường lại không có việc làm. Nếu tình trạng nhiều sinh viên người địa phương học xong không có việc làm diễn ra phổ biến và kéo dài như hiện nay, chắc chắn con em đang học thấy vậy cũng bỏ giữa chừng. Phong trào học tập của xã lại đi xuống, dân trí sao mà nâng lên được?”.

Bài và ảnh: Hoàng Việt
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN