Theo đó, các chủ hộ kinh doanh các mặt hàng nông-lâm-thủy sản phải xuất trình chứng từ về nguồn gốc hoặc nộp bảng kê khai cho cơ quan quản lý, qua đó giúp truy xuất nguồn gốc thực phẩm và gắn trách nhiệm của người sản xuất vào sản phẩm. Thành phố sẽ có những chế tài nghiêm khắc hơn trong xử lý vi phạm, nếu vi phạm mà không khắc phục, sửa chữa, bị phát hiện lần thứ hai sẽ không cho tiếp tục kinh doanh ở các chợ.
Ông Phạm Bá Hùng, Phó ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, cho biết việc thực hiện quy định của thành phố về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của các loại hải sản được đơn vị triển khai từ những ngày đầu năm 2017. Công tác tuyên truyền, lắp đặt panô hướng dẫn, tập huấn cho người lao động được thực hiện đầy đủ. Các chủ hàng đều chấp hành nghiêm túc quy định này...
Đà Nẵng siết chặt các quy định về quản lý an toàn thực phẩm. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN |
Với sản lượng khoảng 300 tấn rau, củ, quả mỗi ngày, việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản tại chợ đầu mối Hòa Cường là hết sức quan trọng và cần thiết. Theo ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường, gần 300 tiểu thương tại chợ đã được tập huấn và ký cam kết kê khai nguồn gốc, xuất xứ. Hiện có 133 camera được lắp đặt tại đây. Sắp tới đơn vị sẽ lắp đặt thêm hệ thống camera vừa bảo đảm việc quản lý nguồn gốc, chất lượng hàng hóa vào chợ, vừa góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
Nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống về an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành kế hoạch truyền thông tổng thể về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020.
Theo kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng các đơn vị liên quan chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về các vấn đề liên quan, tổ chức truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm trên mạng viễn thông, Internet, trên màn hình điện tử công cộng…
Sở Giáo dục và Đào tạo nâng cao nhận thức đối với các trường mầm non, tiểu học bán trú có bếp ăn tập thể cũng như phổ biến rộng rãi kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân cho học sinh. UBND thành phố Đà Nẵng phân công một số cơ quan truyền thông xây dựng chuyên trang, chuyên mục an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần hình thành nếp sống văn hóa “Nông dân Đà Nẵng là người sản xuất thực phẩm an toàn, người kinh doanh, chế biến thực phẩm phải an toàn, người Đà Nẵng tiêu dùng thực phẩm an toàn”.
Các cơ quan báo chí tuyên truyền rộng rãi danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố kết quả thanh tra, công khai trường hợp vi phạm. Dự kiến kinh phí cho chương trình là gẩn 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Đà Nẵng cũng triển khai Đề án cung ứng thủy sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 nhằm bảo đảm an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng thủy sản từ việc truy xuất nguồn gốc, kiểm soát khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh trước khi thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong 4 năm 2017 - 2020, các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại tác động lớn đến an toàn vệ sinh thực phẩm ở mỗi khâu trong chuỗi nhằm cung ứng nguồn thủy sản an toàn cho người tiêu dùng.
Theo kế hoạch đến năm 2020, các mô hình chuỗi cung ứng thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố sẽ hình thành với trên 90% sản lượng thủy sản nhập vào các chợ cá, cảng cá được kê khai nguồn gốc, xuất xứ, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng kinh phí thực hiện đề án này khoảng 10 tỷ đồng.