Kiên quyết di dời
Theo thống kê mới đây của Sở Xây dựng, thành phố có gần 20.800 căn nhà ven và trên kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở khu vực quận 8 và quận 4. Nếu nỗ lực thực hiện, trong vòng 5 năm tới, thành phố cũng chỉ có thể thực hiện di dời được khoảng 50% số hộ dân này.
Thực tế cũng cho thấy, Chương trình nhà ở của thành phố giai đoạn 2006 - 2010 đề ra mục tiêu di dời 15.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch của 17 dự án thuộc 4 tuyến kênh rạch nội thành. Tuy nhiên, tính đến năm 2015, số lượng hộ dân phải di dời đã thay đổi quy mô từ 15.000 hộ thành gần 20.800 hộ, và tại thời điểm hiện nay, tổng số hộ dân sống ven kênh rạch trong diện cần di dời vẫn tiếp tục tăng lên, do số liệu thống kê ban đầu không chính xác, do thay đổi biên giải tỏa, biên kỹ thuật, hành lang bảo vệ kênh rạch và các quận vẫn tiếp tục bổ sung thêm các nhánh kênh rạch cần chỉnh trang... Trong khi đó, tính đến năm 2015, nghĩa là sau gần gần 10 năm thực hiện, thành phố cũng mới bồi thường, giải phóng mặt bằng cho gần 10.800 hộ so với chỉ tiêu đặt ra là 15.000 hộ, tương đương khoảng 72% kế hoạch ban đầu. Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn quận 8 đã có trên 12.369 căn nhà ven kênh rạch. Thời gian qua, quận 8 đã tổ chức di dời, giải tỏa nhà dân để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, đến nay vẫn còn khoảng 9.503 căn.
Nhà ven kênh rạch ở quận 4, TP Hồ Chí Minh. |
Theo kế hoạch của thành phố, trong 5 năm tới sẽ tập trung di dời hàng ngàn căn nhà ven 5 tuyến kênh rạch chính: Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, dự báo số lượng nhà “ổ chuột” trên và ven kênh rạch hiện nay có thể cao hơn con số 20.800 căn. Bởi hiện nay 67 tuyến kênh chưa có số liệu khảo sát và chưa cắm mốc hành lang an toàn. Chưa kể, việc thay đổi ranh giới giải tỏa hành lang kênh rạch cộng với các quận có nhiều nhánh kênh rạch cần chỉnh trang, nên số lượng nhà lụp xụp có thể tăng lên.
Sau khi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu các sở, ngành “phải tìm phương án để mọi người dân sống trên kênh rạch tại địa bàn quận phải có nhà để ở nhằm xóa nhà lụp xụp ven kênh Tàu Hủ - kênh Đôi, kênh Tẻ và chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh hiện đại...”, mới đây UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành và UBND quận 8 về quy hoạch, chỉnh trang, di dời và tái định cư, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận 8.
Theo chủ trương này, thành phố sẽ thực hiện song song dự án di dời, tái định cư, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân trên và ven kênh Đôi (hơn 5.300 hộ dân) và cải thiện môi trường nước thành phố (giai đoạn 3), với mục tiêu là sẽ hoàn thành việc di dời trong năm 2020. Cụ thể, Sở Kế hoạch Đầu tư sẽ nghiên cứu phân cấp mạnh cho quận 8 làm chủ đầu tư, chủ động triển khai thực hiện các dự án tạo quỹ nhà tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời, tái định cư, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân trên và ven kênh Đôi. Nguồn vốn thực hiện dự án cần thực hiện cơ chế đột phá theo hướng giảm chi tối đa từ ngân sách thành phố, huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi đầu tư theo phương thức khai thác quỹ đất sau khi chỉnh trang đô thị. Doanh nghiệp tham gia tự bỏ vốn đầu tư sẽ được hỗ trợ nguồn vay vốn hoặc hỗ trợ lãi vay.
Ngổn ngang lo lắng
Chủ trương tái định cư cho người dân sống trên và ven kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh là cấp thiết từ nhiều năm qua và mỗi năm lại có nhiều lần phải họp bàn tìm giải pháp. Tuy nhiên, do vướng mắc trong quy hoạch, giải tỏa, kinh phí đền bù, bố trí tái định cư... khiến nhiều nơi dự án tái định cư cho người dân vẫn chưa thực hiện.
Tiếp xúc với những hộ dân ở khu vực đường Phạm Thế Hiển, quận 8, đa phần các hộ dân này đều mong muốn có một nơi ở mới tốt hơn, tuy nhiên, tiến độ thực hiện di dời, tái định cư quá chậm, khiến người dân mòn mỏi chờ đợi. Ông Hiệu, một người dân ở đây cho biết, bà con ở đây sống rất tạm bợ, khổ sở vì tình trạng rác thải ô nhiễm, nạn ruồi, muỗi phát sinh trong mùa mưa. Thế nhưng người dân cứ mòn mỏi chờ đợi ngày được tái định cư, mà không biết đến khi nào Nhà nước mới thực hiện. Gia đình ông và nhiều gia đình khác ở đây phải làm đủ việc, đủ nghề để mưu sinh trong khi chờ chính sách hỗ trợ của địa phương.
Đúng như những gì người dân ở đây phản ảnh, hàng nghìn căn nhà dọc kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, kênh Đôi, Ông Bé, Xóm Củi, Ruột Ngựa, Bến Nghé... phần lớn là những căn nhà nằm hoàn toàn trên kênh rạch, nền móng được chống đỡ tạm bợ, chắp vá, nguy cơ sạt lở cao vào mùa mưa. Đây phần lớn là những căn nhà xây trái phép, không phép, hiện trạng lụp xụp không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt. Một số căn xây hoàn toàn trên kênh rạch và chưa được lắp đặt đồng hồ điện mà phải câu móc nhờ từ nhà hàng xóm, không có hệ thống nước thải sinh hoạt, nhà vệ sinh xả trực tiếp xuống kênh rạch, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chính vì vậy, nhiều tuyến kênh dù đã được cải tạo ven bờ, nạo vét thường xuyên nhưng nhanh chóng tái ô nhiễm.
Trong khi đó, ở một số dự án đã hoàn thành tái định cư, bố trí chỗ ở mới tồn tại tình trạng nhiều hộ dân nhận nhà xong lại quay về nơi ở cũ, chấp nhận sống trong những căn nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch, ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều chung cư tái định cư xây xong không có người ở. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở chung cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Nhiều hộ dân ở đây cho biết, mặc dù môi trường sống tốt hơn nhưng cuộc sống lại khó khăn hơn khi về đây. Vì rằng, hồi trước cư ngụ ở chỗ cũ bà con chủ yếu là dân lao động nghèo, ít chữ nghĩa, chỉ biết bốc xếp, buôn thúng bán bưng, nhặt nhạnh ve chai để sống qua ngày. Lên chung cư mới, không biết làm gì để sống, đành phải quay về chỗ cũ, chưa kể, khi sống ở chung cư phải chịu nhiều khoản chi phí như giữ xe, vệ sinh, bảo trì... mà trước kia khi sống ở chỗ cũ hàng tháng không phải đóng.
Nhiều người dân trong diện di dời bày tỏ niềm vui khi nghe Bí thư Đinh La Thăng phát biểu, nơi ở mới phải tốt hơn chỗ cũ. Nhưng họ cũng bày tỏ mong muốn ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các dự án và bố trí nơi ở mới tốt hơn, thành phố cũng tạo việc làm mới. Vì phần lớn người dân ở những “xóm kênh đen” đều không có việc làm ổn định, không có nghề nghiệp, khi đến nơi mới, tìm được một phương kế để sống mới là chuyện quan trọng nhất.