Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), hiện Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về việc triển khai ký quỹ 100 triệu đồng/lao động trước khi đi làm tại Hàn Quốc.
Theo đó, các bên hữu quan thống nhất việc ký quỹ sẽ triển khai tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, được hoàn trả tiền ký quỹ (gồm cả gốc lẫn lãi) khi người lao động hoàn thành hợp động lao động, về nước đúng thời hạn hoặc về nước do điều kiện khách quan như thiên tai, ốm đau...
Ông Đào Công Hải giới thiệu các biện pháp chế tài hạn chế tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc |
Đối với lao động vi phạm, tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi) sẽ được sử dụng bù đắp thiệt hại phát sinh, trong trường hợp thừa sẽ trả lại cho người lao động. Trong trường hợp lao động bỏ trốn, tiền ký quỹ sẽ được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh thành, để thực hiện công tác tuyên truyền và các hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu. Dự kiến, lãi suất số tiền ký quỹ bằng lãi suất tiền gửi và thời hạn ký quỹ sẽ lâu hơn 4 năm 10 tháng (thời gian lao động tại Hàn Quốc) để xử lý các vấn đề phát sinh.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: “Cùng với biện pháp chế tài là ký quỹ và các biện phá xử phạt hành chính, theo Nghị định số 95/2013, như buộc về nước và không được đi làm ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm đối với các trường hợp cư trú trái phép tại Hàn Quốc sau khi hết hợp đồng... Đây là hai biện pháp chế tài Việt Nam triển khai thực hiện với mong muốn hạn chế tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc. Do tỷ lệ bỏ trốn lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hiện chiếm tới 48%, nên từ tháng 8/2012, Hàn Quốc đã ngừng ký bản ghi nhớ và tiếp nhận lao động mới Việt Nam. Nếu các biện pháp chế tài Việt Nam phát huy hiệu quả, Hàn Quốc sẽ ký biên bản ghi nhớ đặc biệt về việc tiếp nhận lao động Việt Nam trong thời hạn 1 năm.
Xuân Cường