Bệnh nhân vẫn phải chờ đợi lâu để được khám bệnh, làm xét nghiệm. Trong khu vực điều trị, nhiều người vẫn phải nằm ghép 2 - 3, thậm chí tới 4 người/giường bệnh. Và ở đâu đó, người bệnh vẫn phải dốc tiền túi để trả những khoản viện phí trái quy định… Đó là những vấn đề còn tồn tại sau hơn một tháng tăng viện phí.
“Theo báo cáo của một số địa phương đã triển khai thực hiện dịch vụ y tế mới từ 1/8, sự thay đổi về chất lượng là có song chưa rõ rệt”, một đại diện của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) khẳng định.
Vẫn còn cảnh 50 - 70 bệnh nhân/bàn khám
Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam: “Về nguyên tắc, khi đã được áp mức giá 20.000 đồng/lần khám thì bệnh viện hạng một và hạng đặc biệt phải đảm bảo một số quy định, trong đó có việc mỗi bàn (hay phòng khám bệnh) chỉ được khám 35 bệnh nhân/ngày.
Tuy nhiên, sau khi được áp dụng mức giá khám bệnh tối đa thì tại nhiều bệnh viện, số bệnh nhân khám tại các bàn vẫn lớn hơn nhiều so với định mức, lên tới 50-70 bệnh nhân/bàn khám/ngày. Ngoài ra, tình trạng bệnh nhân nằm ghép, nằm trên băng ca, ngoài hành lang vẫn khá phổ biến, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến trung ương.
Tình trạng quá tải vẫn còn phổ biến tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Ảnh: Lê Phú |
Tại Bệnh viện K, tình trạng 2 – 3 bệnh nhân/giường, vẫn chưa chấm dứt. Riêng khu vực đón tiếp bệnh nhân, dù đã được cơi nới, sửa chữa nhưng do cơ sở quá chật, nên bệnh nhân vẫn phải đứng, ngồi la liệt để chờ đợi hoàn tất các thủ tục khám bệnh, nộp tiền hoặc chờ làm xét nghiệm…
Chị Nguyễn Thị Lan (Hà Nội), người nhà của một bệnh nhân bị ung thư phổi cho hay: “Bệnh viện K đã thay đổi về việc bố trí ghế chờ và phòng xét nghiệm… nhưng sự thay đổi này chỉ là chút ít, nếu không nói là không đáng kể. Chúng tôi vẫn phải chờ rất lâu mới tới lượt đóng tiền làm xét nghiệm.
Khu vực buồng bệnh thì quá đông, nằm ghép 2 - 3 người/giường. May mà nhà tôi ở Hà Nội nên mẹ tôi được điều trị ngoại trú chứ phải nằm nội trú chắc ốm thêm.
Về thái độ của nhân viên y tế thì cũng vẫn như trước đây, người bệnh và thân nhân họ vẫn phải nín thinh khi nhân viên y tế gắt gỏng vì quá tải”. Đại diện của Bệnh viện K lý giải: Bệnh viện đã rất nỗ lực để triển khai nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, mới điều chỉnh tăng viện phí mà yêu cầu chất lượng, thái độ nhân viên y tế và tình trạng quá tải thay đổi được ngay là rất khó, phải từ từ vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế: Tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh Thời gian qua, Bộ Y tế tập trung nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay, vốn xã hội hóa, vốn ODA để đầu tư cho một số bệnh viện trọng điểm.Tại địa phương, nhiều bệnh viện đã được đầu tư theo Quyết định 47 và Quyết định 930 của Thủ tướng đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần làm tăng năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh giảm quá tải bệnh viện… bảo đảm dành tối thiểu 15% số thu tiền khám bệnh, tiền ngày giường để cải tạo bệnh viện, nâng cấp khu vực khám bệnh, các buồng bệnh, nâng cấp các khu vực khám bệnh, cung ứng thuốc, vật tư để thực hiện các dịch vụ… Đặc biệt, ngày 10/9/2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị 05/CT- BYT, yêu cầu các bệnh viện phải kịp thời công khai bảng giá mới và chủ động tuyên truyền đến người bệnh. Nghiêm túc thực hiện việc tính và thu viện phí theo quy định, không thu thêm của người bệnh chi phí để thực hiện dịch vụ (ngoài các chi phí vật tư, hóa chất, chưa tính vào giá, phần đồng chi trả theo quy định của người bệnh có thẻ BHYT hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu). Các bệnh viện phải thường xuyên tự kiểm tra, giám sát việc thanh toán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sau 3 – 6 tháng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo việc kiểm tra tại các bệnh viện tuyến Trung ương, các sở Y tế và BHXH các tỉnh sẽ kiểm tra tình hình thực hiện tại một số bệnh viện trên địa bàn. Bệnh viện nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá mới được duyệt thì sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp. Ông Phạm Xuân Bằng, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN: “Viện phí tăng góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân” Trong đợt điều chỉnh tăng viện phí này, đa số các dịch vụ y tế thường xuyên sử dụng được tăng giá từ 3-5 lần. Chi phí ước tính cho một đợt điều trị tăng từ 30-40%. Như vậy, nếu không có BHYT, người dân sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi phải vào viện. Do đó, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm gánh nặng chi phí về bệnh tật là tham gia BHYT để có sự chia sẻ từ cộng đồng. Từ năm 2012, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho những người thuộc gia đình cận nghèo và 30% cho người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp. Để tham gia BHYT, người cận nghèo chỉ phải trả 30% mức đóng, tương đương với 134.460 đồng/người/năm. Với sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước như trên và viện phí tăng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chắc chắn sẽ tăng và như vậy sẽ góp phần thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. |
Đi khảo sát ở một bệnh viện lớn tại Hà Nội, tình cảnh bệnh nhân phải chờ khám vẫn rất đông. Hoạt động khám chữa bệnh tại phòng siêu âm, điện tim... vẫn như khi chưa tăng viện phí, nghĩa là cán bộ y tế thực hiện quy trình khám bệnh tại đây không hề đi găng tay, mang mũ hay đeo khẩu trang. Trong khi đó, khi xây dựng giá dịch vụ y tế thì chi phí mũ, găng tay, khẩu trang đều được tính chi tiết và đương nhiên là quỹ BHYT phải chi đầy đủ số tiền đó cho bệnh viện...”, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Phòng Chế độ BHYT, Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho hay.
Đến ngày 20/9/2012, Bộ Y tế đã phê duyệt giá của 21 bệnh viện Trung ương. Mức giá trung bình của các bệnh viện nhóm I bằng 95 – 96% so với mức giá tối đa của khung giá, các bệnh viện nhóm II bằng 92,5% khung và bệnh viện nhóm III bằng 88,5% khung. Cũng tới thời điểm này đã có 48/63 địa phương được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua mức giá dịch vụ y tế mới theo đề xuất của UBND cung cấp. Trong đó, có 5 đơn vị đã được phê duyệt giá từ 90% trở lên so với khung gồm: Lào Cai, Cao Bằng, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Ninh Thuận; 10 địa phương phê duyệt giá từ 80%- 90%; 26 địa phương đã được phê duyệt hoặc đang đề nghị phê duyệt giá nằm trong khoảng từ 70%- 80%; 8 địa phương phê duyệt dưới 70% so với giá tối đa gồm: Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Hậu Giang, Trà Vinh. |
Theo ông Phúc, với số lượng bệnh nhân lớn, khoảng 2.500 bệnh nhân/ngày như tại các bệnh viện tuyến Trung ương thì dù bệnh viện có tăng lên 50 – 60 bàn khám cũng không thể hạ số lượng bệnh nhân ở mỗi bàn khám xuống đúng như định mức 35 người/bàn/ngày như Bộ Y tế đề ra.
Hơn nữa, không phải bệnh viện nào cũng có thể nâng số lượng bàn khám bệnh lên ngay được. Bởi vì, nâng số phòng khám cũng đồng nghĩa với việc phải bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực y tế. Hay như thái độ của nhân viên y tế nhằm đáp ứng với sự hài lòng của người bệnh cũng vậy, đâu có thể vì tháng trước tăng viện phí mà tháng sau cán bộ nào cũng niềm nở, chu đáo hơn với bệnh nhân.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cũng khẳng định: “Không nên kỳ vọng rằng viện phí tăng sẽ giảm được quá tải bệnh viện và bệnh nhân sẽ sớm thoát khỏi cảnh nằm ghép 2 – 3 người/giường.
Thực tế, quá tải bệnh viện là một bài toán khó mà ngành y tế đang xây dựng một đề án lớn để thực hiện trong nhiều năm tới.
Vậy nên, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, cơ quan BHXH Việt Nam chỉ có thể yêu cầu các cơ sở y tế bố trí thêm giường bệnh, tránh tối đa việc người bệnh phải nằm ghép”.
Và “hộp đen” từ dịch vụ xã hội hóa
“Chúng tôi đang cho thu thập chứng cứ về hiện tượng bệnh viện cố tình thu thêm tiền của bệnh nhân. Ví dụ, một dịch vụ y tế sử dụng máy móc xã hội hóa có giá là 5,2 triệu đồng, trước đây quỹ BHYT chi trả cho bệnh viện là 3 triệu đồng nên người bệnh chỉ phải trả thêm phần mà BHYT chưa chi trả là 2,2 triệu đồng.
Nhưng nay khi viện phí tăng, quỹ BHYT đã chi trả cho dịch vụ này lên tới 5,1 triệu đồng, thế nhưng thay bằng việc chỉ được thu thêm của người bệnh 100.000 đồng nữa thì có cơ sở y tế vẫn thu của người bệnh 2,2 triệu đồng. Đây là điều rất phi lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người bệnh.
Đó là chưa nói đến chuyện thực tế nhiều cơ sở y tế chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy móc từ nguồn vốn xã hội hóa”, một cán bộ BHXH Việt Nam cho biết.
Theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ thì giá viện phí điều chỉnh lần này chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp mà bệnh viện bỏ ra để thực hiện dịch vụ (không có chi phí khấu hao máy móc, tiền lương…); 4/7 cấu phần chưa được tính vào giá viện phí đã được ngân sách nhà nước đảm bảo.
Nhưng đã là máy móc xã hội hóa thì nhà đầu tư (BV và doanh nghiệp góp vốn) phải tính đúng, tính đủ mọi chi phí và đương nhiên là có cả lãi thu về (số tiền đầu tư trang thiết bị y tế nhiều khi lên tới cả chục tỷ đồng).
Trong khi đó, các máy móc xã hội hóa này đang đặt trong các bệnh viện công, nơi vẫn được Nhà nước bao cấp về nhân lực, lương, máy móc… Vậy nên, sẽ là bất cập nếu người bệnh phải dốc tiền túi để chi trả thêm viện phí không hợp lý nếu cơ sở y tế cố tình lạm dụng những dịch vụ sử dụng trang thiết bị từ nguồn vốn xã hội hóa.
Hiện nay, BHXH Việt Nam tổng hợp và phân tích các số liệu liên quan đến số lượng các dịch vụ y tế sử dụng máy móc từ nguồn xã hội hóa tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngay các chuyên gia BHXH Việt Nam cũng chia sẻ rằng rất khó có thể khẳng định rằng thế nào là cơ sở y tế đã cố tình lạm dụng dịch vụ y tế sử dụng máy móc xã hội hóa.
Hơn nữa, nguồn nhân lực của BHXH Việt Nam có hạn nên việc phát hiện những hành vi lạm dụng quỹ BHYT tại các cơ sở y tế hiện nay mới chỉ là phần nổi của tảng băng. “Đặc biệt, cấu phần giá dịch vụ y tế sử dụng máy móc xã hội hóa lâu nay vẫn là một “hộp đen” mà các bệnh viện luôn được quyền quyết định và không công khai. Tuy nhiên, đã đến lúc BHXH Việt Nam cần can thiệp và yêu cầu các bệnh viện làm rõ vấn đề này để tránh sự trục lợi quỹ BHYT, đồng thời ảnh hưởng tới quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT”, một cán bộ BHXH Việt Nam khẳng định.
Phương Liên