Đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Những chuyển biến tích cực
Theo phân tích của Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, xanh hóa sản xuất là thực hiện một chiến lược “công nghiệp sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh…
Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh, hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao, mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại.
Bên cạnh các tác động từ chính sách, phong trào, chương trình hành động tiêu dùng xanh đã và đang phát triển rộng rãi trong cả nước, bước đầu đạt những kết quả tốt, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây đều tổ chức chiến dịch tiêu dùng xanh hàng năm với hơn 30.000 lượt tình nguyện viên tham gia. Gần 4 triệu lượt người dân cam kết hưởng ứng, mức tiêu thụ sản phẩm của các daonh nghiệp xanh tăng lên từ 40 -60% trong tháng diễn ra chiến dịch.
Đặc biệt, thay vì dùng túi nilon, nhiều người nội trợ ở các thành phố lớn hiện mang theo sẵn túi đựng khi tới các cửa hàng, siêu thị, hoặc sử dụng túi nilon sinh học để đựng hàng hóa. Nhiều cửa hàng tạo cho mình phong cách riêng với các túi đựng được làm từ giấy hay túi sinh thái. Những túi này thường có những dòng thông điệp rất ý nghĩa. Ví dụ như túi sinh thái (Lohas) của Hệ thống siêu thị VinMart có dòng chữ “Tiêu dùng xanh - Sống an lành” cùng với thiết kế đẹp mắt ấn tượng, giá thành chỉ khoảng 5.000 đồng/chiếc có thể tái sử dụng nhiều lần và cất gọn khi không dùng đến.
Bà Trần Minh Châu ở Khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội rất hứng khởi đến mua sắm tại Big C Hà Nội khi thấy các mặt hàng rau quả được siêu thị này bọc bằng lá chuối. Bà cho rằng: “Nước mình khí hậu nhiệt đới, cây cỏ tươi tốt quanh năm. Từ xưa, ông bà mình đã biết dùng lá chuối, bẹ chuối, lá dong…gói gém thực phẩm vừa không độc hại và gây ô nhiễm môi trường. Các túi đựng làm bằng cói, mây, tre đan vừa bền vừa đẹp sao không sản xuất đại trà cho người tiêu dùng trong nước để thay thế dần túi nilon?”.
Gần đây, phong trào sử dụng điện, nước tiết kiệm, tắt máy xe mô tô nếu dừng đèn đỏ trên 20 giây, chọn mua thiết bị tiết kiệm điện hay lắp đặt sử dụng hệ thống Thái dương năng đang được tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Tiêu biểu như Dự án taxi xanh của thành phố Đà Nẵng; mô hình “Gia đình tiết kiệm điện” và “mô hình ESCO quy mô gia đình, quy mô công nghiệp” ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã cung cấp một loạt các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm thiết kế, thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng, phát điện và cung cấp năng lượng, quản lý rủi ro.
Lan tỏa chương trình, dự án “Tiêu dùng xanh”
Trước hết phải kể đến Chương trình “Tiêu dùng xanh” do Sở Công Thương, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hệ thống siêu thị Co.opmart thực hiện. Chương trình không chỉ mang ý nghĩa kích cầu mà còn khuyến khích khách mua sắm trong khu tự chọn của Hệ thống. Với hóa đơn từ 500.000 đồng và sử dụng túi môi trường, khách hàng sẽ được nhận một món quà hấp dẫn. Bên cạnh đó, Hệ thống còn có Chương trình “Tôi yêu sản phẩm xanh” rút thăm trúng thưởng sản phẩm theo thiết kế riêng cho khách hàng có sử dụng túi môi trường xanh Co.opmart.
Tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, Dự án xanh thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất xanh thông qua mua sắm công bền vững và Nhãn sinh thái (SPPEL) được thực hiện từ năm 2014. Mục tiêu của Dự án là triển khai việc kết hợp hai công cụ sản xuất xanh và tiêu dùng xanh để đạt tối đa về thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm các sản phẩm bền vững. Trong đó, dự án hỗ trợ các cơ quan Chính phủ xây dựng năng lực và kỹ thuật, các chính sách về sản xuất xanh và mua sắm sản phẩm bền vững. Đồng thời, dự án tạo ra các diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý, khu vực tư nhân về xây dựng chính sách, nhằm đảm bảo lồng ghép giữa sản xuất xanh và mua sắm xanh bền vững trong quá trình ra quyết định.
Bên cạnh đó, Dự án sống xanh Việt Nam là dự án về thúc đẩy tiêu dùng bền vững được Chương trình SWITCH-Asia của Liên minh châu Âu tài trợ. Dự án do Trường Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan), Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam phối hợp thực hiện được triển khai tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa và Cần Thơ.
Mục tiêu của dự án là thành lập hàng trăm Câu lạc bộ tiêu dùng bền vững, xây dựng mạng lưới 1.000 người tiêu dùng thông thái để phổ biến phong cách sống và bền vững trong cộng đồng. Dự án đổi mới sản phẩm theo hướng bền vững (SPIN) được triển khai tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cũng được Chương trình SWITCH Asia-Liên minh châu Âu tài trợ. Dự án mong muốn thúc đẩy tiềm năng đổi mới trong ngành công nghiệp; tăng chất lượng mang tính xã hội và môi trường của các sản phẩm sản xuất tại 3 nước. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc triển khai đổi mới sản phẩm bền vững trên phạm vi ba nước. Dự án được coi là nhân tố quan trọng trong bước tiếp cận tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong phạm vi của cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Bài cuối: Cơ hội và thách thức