Sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Thị Thanh Thoan lập gia đình và xin được việc làm kế toán cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Công việc này giúp Thoan có thu nhập ổn định để sinh sống tại Hà Nội.
Tuy nhiên, năm 2014, Thoan nảy ý định và bàn với chồng về quê ở Mộc Nam (Duy Tiên) để mở trang trại nuôi bò sữa. Được sự ủng hộ của chồng, cả gia đình kéo nhau về quê lập trang trại nuôi bò sữa.
Về quê hương, Thoan và chồng đã dồn hết tâm huyết để xây dựng, hình thành một trang trại nuôi bò sữa với quy mô hiện đại. Nhưng trang trại vừa xây xong thì gặp đúng cơn khủng hoảng thừa sữa. Người chăn nuôi không bán được sữa, thậm chí nhiều gia đình phải đổ sữa đi.
Thoan chia sẻ: Khi mới thành lập trang trại, gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và thiếu cả khách hàng. Vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều bò mua về bị chết. Sản phẩm lúc đầu đơn điệu nên không bán được.
Quyết không lùi bước, Thoan bàn với chồng xây dựng cơ sở chế biến sữa. Vì nếu chế biến các sản phẩm từ sữa thì việc tiêu thụ sữa tươi sẽ không phụ thuộc vào thu mua của các nhà máy và thuận lợi hơn nhiều.
Năm 2015, Thoan xây dựng cơ sở chế biến sữa và thành lập Công ty CP Sữa Hà Nam (Hanamilk). Năm 2016, cơ sở của Thoan bắt đầu sản xuất các sản phẩm sữa tươi, sữa chua, sữa chua nếp cẩm... Dây chuyền đảm bảo chế biến hết lượng sữa nguyên liệu của trang trại.
Thoan chia sẻ: Sau khi thành lập cơ sở chế biến, tình hình hoạt động của công ty bắt đầu đi vào ổn định. Công ty CP Sữa Hà Nam thực sự hoạt động ổn định từ năm 2017.
Sau 5 năm, cô gái 8X đã có một trang trại chăn nuôi rộng 7ha, một cơ sở chế biến sữa hiện đại. Hiện công ty của Thoan tạo việc làm cho khoảng 15 lao động với thu nhập từ 3,6 -6 triệu đồng/tháng, doanh thu mỗi tháng từ 700 – 900 triệu đồng, cả năm doanh thu đạt hơn 8 - 10 tỷ đồng. Trang trại từ chỗ ban đầu có 10 con bò đã tăng dần lên 21 con, và hiện là gần 50 con.
Với quyết tâm làm ra những sản phẩm sữa chất lượng cao, giữ được nguyên vị mộc của sữa nguyên liệu, ngay từ đầu Thoan xác định phải sản xuất sạch.
Thoan cho biết phải chặt chẽ từ đầu vào tới đầu ra theo quy trình “6 không”, là: Không sử dụng cám công nghiệp; không hormone tăng trưởng; không thức ăn biến đổi gen; không chất bảo quản, hương liệu; không tồn dư kháng sinh; không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác. Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được thu gom, xử lý thành phân bón cung cấp lại cho đồng cỏ.
Nhờ sản xuất sạch, hiện sản phẩm của Thoan đã có mặt ở 30 cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, được bán trong chuỗi siêu thị Lan Chi. Đại diện phía Vinmart cũng đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm của công ty…
Trong năm 2019, Thoan có ý định tăng đàn bò lên 80 con, đồng thời tăng sản lượng sữa để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng tăng. Liên kết với các hộ chăn nuôi khác khu vực để xây dựng các trang trại vệ tinh cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Với đam mê làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, ước mơ của nữ giám đốc trẻ tuổi là sớm xây dựng được thương hiệu sản phẩm sữa bò của Hà Nam, để tạo ra các sản phẩm sạch và ổn định cuộc sống cho người nông dân quanh vùng.