Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thụy Yến Phương cho biết, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh hiện có 2.808 hộ nghèo, 7.105 hộ cận nghèo và 10.579 hộ có mức sống trung bình. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hội ký kết triển khai chương trình “Hỗ trợ và nhận thực phẩm, trao, tặng thực phẩm đến người dân có hoàn cảnh khó khăn” và ra mắt Ngân hàng thực phẩm Vĩnh Long. Chương trình hướng đến thực hiện mục tiêu kép là kết nối nguồn lực, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn thực phẩm cộng đồng tại địa phương, mang đến nguồn thực phẩm dinh dưỡng cho người yếu thế, đồng thời hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về chống lãng phí thực phẩm.
Thực hiện chương trình, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về chống lãng phí, sẵn sàng chia sẻ thực phẩm đến các đối tượng bảo trợ, đối tượng dễ bị tổn thương vì mục đích nhân đạo. Hội sẽ phát huy vai trò là tổ chức nhân đạo nhằm kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án cộng đồng về chống lãng phí thực phẩm và dinh dưỡng cho người yếu thế như: Quán cơm Tùy Tâm, bếp ăn Chữ thập đỏ, bếp ăn tại các bệnh viện, Tủ mì 0 đồng, tủ lạnh cộng đồng, các tổ cơm từ thiện của các cấp hội...
Cùng với đó, Hội sẽ làm trung tâm phân phối nguồn lực thực phẩm đóng góp của hộ gia đình, doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị… đến người nghèo, người yếu thế, các đối tượng dễ bị tổn thương khác; phát triển đội ngũ mạng lưới tình nguyện viên chương trình, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nhân đạo trong vai trò phân phối các nguồn lực thực phẩm từ nơi dư thừa đến đúng người cần, nhằm tối ưu hóa nguồn lực vận động…
Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, hiện nay, mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam đã và đang mở rộng, phát triển hệ thống với 13 kho thực phẩm cộng đồng và câu lạc bộ thực phẩm cộng đồng ở nhiều địa phương. FoodBank Vĩnh Long là kho thực phẩm thứ 14 được thành lập với mục tiêu phát triển mạng lưới lên 20 kho thực phẩm cộng đồng trên cả nước. Ngân hàng thực phẩm Việt Nam chú trọng mở rộng tại các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số, người khó khăn, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, hạn hán, thời tiết khắc nghiệt…
Sự ra đời của mạng lưới ngân hàng thực phẩm và câu lạc bộ thực phẩm cộng đồng địa phương là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm xây dựng một hệ thống hỗ trợ lẫn nhau, giúp đảm bảo thực phẩm không bị lãng phí và được chia sẻ một cách hiệu quả đến những người cần. Việc ra mắt Ngân hàng thực phẩm Vĩnh Long là giải pháp thiết thực để hỗ trợ người dân địa phương, phát triển văn hóa chia sẻ, hỗ trợ trong cộng đồng nhằm chống lãng phí thực phẩm tại gia đình, doanh nghiệp, cá nhân.
Tại chương trình, đại diện lãnh đạo Ngân hàng thực phẩm Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai chương trình, thông qua quyết định thành lập Ban điều phối chương trình và Câu lạc bộ thực phẩm cộng đồng Vĩnh Long. Các đại biểu tham quan địa điểm làm việc và kho hàng của Câu lạc bộ thực phẩm cộng đồng Vĩnh Long, đồng thời trao tặng 50 suất quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Vĩnh Long.