Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Ngọc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, trong ngày 9/9, bệnh viện đã cấp cứu, đặt ống thở và liên hệ chuyển 3 nạn nhân bị ngộ độc khí CO lên tuyến trên.
Ba bệnh nhân này là người trong một gia đình ở phường Giếng Đáy (thành phố Hạ Long), có độ tuổi từ 12 - 27 tuổi, đều ngủ trong phòng kín qua đêm có máy phát điện. Trong đó, 1 bệnh nhân nữ 24 tuổi và 1 bệnh nhi nam 12 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, chuyển hóa nặng, tiên lượng nguy kịch.
Ba trường hợp khác là trẻ nhỏ trong một gia đình ở phường Hà Khẩu (thành phố Hạ Long) nhập viện với tình trạng choáng váng, đau đầu, khó thở, chóng mặt. Hiện, 3 nạn nhân đang được theo dõi điều trị ngộ độc khí CO tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy và sức khỏe đã dần ổn định.
Trước đó, ngày 9/9, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận cấp cứu 6 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện (lúc đó trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang bị mất điện nhiều nơi sau bão số 3). Trong đó, có 2 trường hợp ngộ độc khí CO trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp rất nguy kịch.
CO là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp nên rất khó nhận biết được sự có mặt của chúng trong không khí. Khi hít phải, khí CO nhanh chóng ngấm vào máu và làm mất oxy trong máu. Nạn nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực. Ngộ độc khí CO làm cho tế bào não bị tổn thương, bệnh nhân có thể bị mất ý thức, hôn mê sâu, nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời sẽ tử vong.
Hiện nay, sau cơn bão số 3, tại tỉnh Quảng Ninh đang có sự cố mất điện diện rộng. Do đó, nhiều gia đình sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, người dân nên tuân thủ các biện pháp cần thiết.
Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được để máy phát trong nhà, phòng ngủ; nên để máy phát ở nơi riêng biệt ít tiếp xúc với người. Người dân khi sử dụng máy phát điện nên để hé cửa sổ hoặc có thông gió trong phòng ngủ.