Đến sáng 11/10, nước lũ dâng cao đã tràn qua tuyến Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Thăng Bình và Phú Ninh) gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Lượng lực Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức trực tại các điểm ngập úng để phân luồng, hướng dẫn phương tiện tạm dừng lưu thông qua đoạn đường này.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết: Mưa lớn khiến một số kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh hư hỏng, một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngập sâu, sạt lở như: đường Hồ Chí Minh bị sạt lở taluy dương gây tắc đường tại Km1363+500 và Km1370+800; Quốc lộ 14H qua các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn bị ngập sâu; tuyến Quốc lộ 40B, Quốc lộ 24C qua huyện Bắc Trà My tắc đường tại ngầm sông Trường (Km62+380) do ngập nước sâu 0,6 m và sạt lở tại Km89+450. Các tuyến đường tỉnh lộ như: ĐT 603, 608, 609, 611, 612, 613 đi qua thành phố Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn ngập sâu, giao thông ách tắc, một số nơi bị chia cắt. Hiện tỉnh Quảng Nam đã tạm ngừng hoạt động các tuyến giao thông đường thủy nội địa.
Ông Văn Anh Tuấn cho biết thêm: Tại những nơi ngập sâu, Sở đã cử lực lượng túc trực, hướng dẫn và cấm người dân qua lại. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan sớm khắc phục các nơi sạt lở đảm bảo giao thông được thông suốt.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trong 48 giờ qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được tại Tam Lãnh 580,8 mm; Tam Trà 530,8 mm; Đại Hiệp 515,8 mm; đầu mối hồ Thạch Bàn 511,6 mm; Duy Phú 503,6 mm; đầu mối hồ Vĩnh Trinh 496,2 mm; Điện Hồng 461,6 mm; hồ Nước Rôn 449,6 mm; đầu mối hồ Việt An 419,8 mm…
Mưa lớn kéo dài làm mực nước trên các sông dâng cao; trên sông Vu Gia, Thu Bồn và sông Tam Kỳ ở mức báo động II. Hiện 12/17 hồ chứa thủy lợi lớn do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Quảng Nam quản lý đã tích đạt 100%; 5 hồ còn lại tích nước đạt từ 50-90% dung tích. Riêng hồ chứa nước Phú Ninh (lớn nhất tỉnh) mới tích đạt 69% so với dung tích hữu ích. Đối với các hồ thủy điện như: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4, Đak Mi 4 đã vận hành giảm lũ cho hạ du, với lưu lượng xả từ 50 - 230 m3/s. Mưa to kéo dài làm nước sông dâng cao khiến những vùng trũng thấp ở Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, Tiên Phước, Bắc Trà My… bị ngập lụt, gây ách tắc giao thông.
Trong đêm 10/10, lực lượng chức năng thành phố Tam Kỳ đã tổ chức di dời khẩn cấp gần 100 người dân ở phường An Sơn bị nước lũ cô lập đến nơi an toàn. Huyện Nông Sơn cũng sơ tán 219 hộ với 420 khẩu ra khỏi vùng nguy cơ ngập lụt. Trước đó, huyện Bắc Trà My đã sơ tán 426 hộ với 1.484 khẩu đến nơi an toàn để tránh ngập lụt và sạt lở đất.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Trưởng Ban phòng, chống thiên tỉnh cho biết: Trong hai ngày 9 và 10/10, Quảng Nam là địa phương có lượng mưa lớn nhất trong khu vực. Mưa lũ đã gây thiệt hại về người và tài sản của người dân trong tỉnh. Theo dự báo trong vài ngày tới, Quảng Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng của một đợt mưa lớn nữa; chính quyền địa phương đang tập trung triển khai công tác ứng phó với đợt mưa lũ này. Trong đó, tỉnh tập trung tuyên truyền đến người dân nhằm chủ động phòng tránh lũ. Chính quyền các địa phương kiểm tra thường xuyên các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở để tổ chức các phương án phòng, chống lũ ống, lũ quét; chỉ đạo cho các chủ hồ chứa thủy điện vận hành điều tiết nước đúng theo quy trình đảm bảo cắt lũ hạ du…; tập trung hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân khi có mưa lũ xảy ra.