Phun thuốc diệt cỏ tràn lan ở vùng cao Bắc Kạn

Nhiều hộ dân ở Bắc Kạn đã lạm dụng thuốc diệt cỏ vào thời kỳ xử lý thực bì để trồng ngô, trồng rừng và làm cỏ cho các diện tích dong riềng, ngô đồi.

Rẻ, tiện lợi...

Huyện Pác Nặm có diện tích ngô đồi lên đến gần 3.000 ha, diện tích dong riềng là 218,1 ha. Để diệt cỏ, bà con đã dùng nhiều loại thuốc như Owen (hay còn gọi là thuốc cỏ cháy), thuốc Lyphoxim và một số thuốc do Trung Quốc sản xuất... Việc lạm dụng thuốc trừ cỏ tràn lan dù đã được chính quyền địa phương nắm rõ, tuyên truyền vận động nhưng bà con vẫn sử dụng.

Ông Quách Xuân Khoanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Pác Nặm cho biết: "Chúng tôi đã lập các đoàn đi kiểm tra, tịch thu các loại thuốc không rõ nguồn gốc, tiến hành xử phạt, tuyên truyền vận động bà con nhưng vẫn chưa hiệu quả".

Người dân phun thuốc diệt cỏ trên nương.


Do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, lực lượng cán bộ mỏng nên chúng tôi chỉ kiểm tra được các khu vực gần còn ở vùng sâu, vùng xa đành chịu".

Dọc tuyến đường từ Chợ Rã lên trung tâm huyện Pác Nặm có thể bắt gặp hình ảnh người dân phun thuốc diệt cỏ trên những ruộng ngô. Ông Nà Văn Cường, thôn Thôm Mèo, xã Xuân La cho biết: "Gia đình tôi có gần 2 ha ngô đồi, nếu bỏ công lao động ra làm cỏ thì phải mất 4 - 5 ngày, nhưng nếu dùng thuốc diệt cỏ thì chỉ phun mất 2 ngày và bỏ ra 40.000 - 50.000 đồng mua thuốc là xong. Do dễ sử dụng và không phải bỏ nhiều công sức nên rất nhiều người trong xã cũng đã phun thuốc diệt cỏ".

Chính tâm lý đó đã dẫn đến việc bà con sử dụng thuốc diệt cỏ một cách tràn lan. Ngay cạnh ruộng nhà ông Cường là diện tích dong riềng hơn 1 ha của gia đình ông Ma Văn Đảo đã bị cháy sém do sử dụng thuốc cỏ cháy quá liều.

Sở dĩ việc lạm dụng thuốc diệt cỏ trên diện tích nương đồi gia tăng vì rất dễ mua các loại thuốc diệt cỏ. Dạo qua các chợ phiên Nghiên Loan, Bộc Bố, Bằng Thành... không khó để tìm mua các loại thuốc này, đặc biệt còn có loại thuốc do Trung Quốc sản xuất không rõ nguồn gốc, không tem nhãn hay hướng dẫn sử dụng.

Ông Quách Xuân Khoanh cho biết: "Hiện nay 60% người dân trồng ngô đồi, dong riềng sử dụng thuốc diệt cỏ, gây ra nhiều vấn đề về môi trường. Do bà con đa số ở vùng sâu, vùng xa nên khó quản lý việc mua bán thuốc diệt cỏ, nhiều người còn qua các chợ phiên bên Cao Bằng mua các loại thuốc của Trung Quốc sản xuất về sử dụng".

Không riêng gì Pác Nặm, tại các huyện khác cũng có tình trạng bà con dùng thuốc diệt cỏ một cách tràn lan, đặc biệt trên những diện tích ngô đồi, trước khi gieo hạt người dân thường phun thuốc diệt cỏ, điều này dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc hại cho sức khỏe người dân, gia súc và môi trường.

... nhưng độc hại


Sử dụng thuốc diệt cỏ sẽ giảm bớt công lao động, tuy nhiên đa số bà con nhận thức còn hạn chế nên mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không tuân thủ hướng dẫn pha chế, khi pha chế nhiều người còn dùng cả tay để khuấy thuốc, không dùng bảo hộ lao động khi phun...

Ông Nguyễn Bá Quân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Bắc Kạn khuyến cáo: Thuốc diệt cỏ rất độc hại và có tác dụng sau đó 2 - 3 ngày, tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng với những loại cỏ mềm, nhỏ, không diệt được tận gốc, chỉ sau đó một thời gian cỏ sẽ mọc trở lại. Để diệt cỏ tận gốc thì cách tốt nhất là vun xới đất, vừa tạo sự thoáng khí, tơi xốp cho đất vừa diệt trừ sâu hại, cỏ dại.

Thuốc diệt cỏ được bà con sử dụng tràn lan, không đúng liều lượng còn gây ảnh hưởng cho sự sinh trưởng và phát triển, năng suất cây trồng. Ngoài ra vỏ, bao đựng thuốc được bà con vứt bừa bãi trên những sườn đồi gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Dụng cụ, bình phun thuốc xong bà con thường rửa ở dưới suối gây ô nhiễm nguồn nước. Đa số bà con vẫn sử dụng nước suối để sinh hoạt nên sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước mặt và nước ngầm.

Bà Lý Thị Tủy, thôn Thôm Mèo, xã Xuân La cho biết: Vẫn biết sử dụng thuốc diệt cỏ là không tốt cho sức khỏe và môi trường nhưng do tiện dụng và mất ít công sức nên gia đình và bà con trong thôn vẫn sử dụng. Ở thôn cũng đã có trâu bò bị ảnh hưởng do ăn phải cỏ phun thuốc, lúa bị chết do sử dụng thuốc diệt cỏ không đúng, nước suối ở đây giờ chỉ dám dùng để giặt giũ.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý việc buôn bán thuốc diệt cỏ trái phép, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ trên nương đồi, đặc biệt không mua, sử dụng thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc.


Bài và ảnh: Đức Hiếu
Sinh vật lạ ngâm dầu hỏa, phun thuốc diệt cỏ không chết
Sinh vật lạ ngâm dầu hỏa, phun thuốc diệt cỏ không chết

Cho đến ngày 18/1, kết luận về xuất hiện sinh vật lạ trong quần áo xảy ra tại xã Hoà Quang Nam (huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên) vẫn chưa có ý kiến chính thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN