Xã Bình Ngọc là vùng ven của thành phố Tuy Hòa. Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều lao động tự do ở đây mất việc do nằm trong khu vực phong tỏa. Đời sống của họ vốn đã khó nay càng khó khăn hơn. Khi được chính quyền địa phương thông báo làm các thủ tục nhận hỗ trợ, nhiều lao động tự do đã gấp rút hoàn thiện. Tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Ông Trần Văn Hòa (57 tuổi) ở thôn Ngọc Phước 1, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa cho biết: Gia đình ông có 6 người đều trông chờ tiền công từ nghề bốc vác của ông. Dịch bệnh kéo dài, thành phố Tuy Hòa thực hiện giãn cách xã hội nên ông không thể đi làm. Khi được hướng dẫn làm thủ tục nhận hỗ trợ cho lao động tự do thất nghiệp, ông đã làm xong hồ sơ nhưng chưa nhận được tiền.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Huyền - Bí thư Đảng ủy xã Bình Ngọc, để triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, địa phương đã cử cán bộ phối hợp với các hội, đoàn thể từng thôn chủ động hướng dẫn người dân thuộc các đối tượng làm hồ sơ. Đến nay, xã Bình Ngọc đã xét duyệt 72 hồ sơ thuộc hộ kinh doanh cá thể và người lao động tự do mất việc do dịch bệnh.
Tại huyện miền núi Sơn Hòa, việc chi trả cho các đối theo Nghị quyết 68/NQ-CP cũng gặp khó khăn do chưa có sự hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Ông Nguyễn Đình An - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa cho biết: Đợt 1, số lượng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ trên địa bàn huyện là 221 người với hơn 644 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay chưa thể chi trả cho người dân vì chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tạm ứng ngân sách địa phương.
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên (cơ quan thường trực triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP), tính đến ngày 24/8 mới tiếp nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 3.462 người với số tiền dự kiến hơn 7,2 tỷ đồng. Sở đã thẩm tra và lập thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ra quyết định hỗ trợ cho 590 người với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Nhóm đối tượng đã được xét duyệt chủ yếu là hỗ trợ tiền ăn cho F1, F0, hộ kinh doanh cá thể…
Lý giải về việc chậm trễ này, ông Võ Văn Binh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, thời gian qua, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên việc ra đường của người dân rất hạn chế. Bên cạnh đó, một số cán bộ chuyện môn ở cơ sở tham gia trực tiếp vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu cách ly, khu phong tỏa nên không thể thực hiện nhiệm vụ thống kê, tập hợp hồ sơ của người dân. Hiện nay, các khó khăn này đã dần được tháo gỡ khi tỉnh Phú Yên thu hẹp giãn cách xã hội.
Căn cứ quy định tại điểm 12 Mục II, Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 18/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã có quyết định về việc hỗ trợ cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Cụ thể gồm: người làm thuê trong các hộ kinh doanh bị dừng hoạt động (trừ các thành viên trong hộ kinh doanh); bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), xe ba gác, xe lôi chở hàng; bốc vác, đành giày không có địa điểm cố định; người bán lẻ vé số; thợ nề, thợ sơn trong khu vực bị phong tỏa.
Theo ông Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua việc hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Dự kiến sẽ có khoảng 22.000 người trên địa bàn tỉnh thuộc các nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay việc chi trả quá chậm so với yêu cầu. Người dân đang rất vất vả và gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi cách cần tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ chi trả theo Nghị quyết 68/NQ-CP.