Tuyên truyền sâu rộng, phòng chống bạo lực gia đình
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Bạo lực gia đình không phải là vấn đề mới được đề cập đến nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam có Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Từ khi có luật, những hành vi trước kia được coi là thói quen sinh hoạt, riêng tư, đạo đức, tình cảm trong gia đình được luật hóa, thực chất là đưa những hành vi ấy vào quy định, có quy định rõ hành vi vi phạm pháp luật. Đây là dấu mốc quan trọng của Việt Nam, đánh dấu sự phát triển của xã hội theo hướng văn minh. Từ đó đến nay, các khâu triển khai thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình đều đạt được những kết quả nhất định từ nhận thức, phòng ngừa, hỗ trợ, xử lý…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc phòng chống bạo lực gia đình là rất quan trọng, nằm trong tổng thể xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con người và là hành động cần thiết để bảo vệ quyền con người, bảo vệ trẻ em. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình là nhằm đánh giá những việc đã làm được, thẳng thắng nhìn nhận những mặt chưa làm được, các mặt yếu kém cần tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện tốt hơn.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để hoàn thiện hồ sơ cần thiết, tiến tới chỉnh sửa Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới. Các địa phương, đơn vị liên quan cần quan tâm, làm tốt hơn nữa để có số liệu đánh giá chính xác nhất về tình trạng bạo lực gia đình bởi chỉ khi đánh giá đúng thực trạng mới có thể đưa ra giải pháp hiệu quả nhất. Các đơn vị chức năng cần tuyên truyền sâu rộng, thiết thực hơn nữa để cộng đồng hiểu rằng bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật chứ không còn là vấn đề riêng tư của mỗi gia đình. Thêm vào đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp thực chất hơn nữa để có chương trình dài hơi trong công tác phòng chống bạo lực gia đình thay vì chỉ có một số sự kiện…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Các quốc gia trên thế giới kể cả các nước phát triển cũng đang phải đấu tranh nhằm phòng, chống bạo lực gia đình. Ở Việt Nam, bạo lực gia đình đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm. Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cho thấy: Có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một trong 3 hình thức bạo lực gia đình. Gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình…
Chưa có số liệu phản ánh chính xác thực trạng bạo lực gia đình
Luật Phòng chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2008. Trong 10 năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đoàn thể, các địa phương nỗ lực triển khai, tổ chức thực hiện luật ở nhiều lĩnh vực. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã nhận được sự ủng hộ hợp tác, hỗ trợ và phối hợp tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hiểu biết, nhận thức của người dân cũng như toàn xã hội đã được nâng lên, hành vi bạo lực gia đình được nhận diện và từng bước giải quyết theo quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, phải thẳng thắng nhìn nhận rằng bạo lực gia đình vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng; vẫn còn hạn chế, bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai, thi hành luật pháp về phòng, chống bạo lực gia đình. Tổng hợp số liệu từ các địa phương trong 10 năm qua cho thấy, nhìn chung tình hình bạo lực gia đình có xu hướng giảm về số vụ, nhưng con số thống kê chưa thể phản ánh đầy đủ về thực trạng bạo lực gia đình hiện nay. So sánh số liệu báo cáo từ các ngành cho thấy, vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa các ngành khi tổng hợp thông tin về bạo lực gia đình. Việc chưa có số liệu phản ánh thực trạng bạo lực gia đình là khoảng trống trong công tác quản lý, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu trong thời gian tới.
Chỉ tính riêng số liệu các vụ án ly hôn có nguyên nhân do bạo lực gia đình mà Tòa án nhân dân tối cao cung cấp cho thấy: Từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 1,42 triệu vụ án ly hôn, đã giải quyết hơn 1,38 triệu vụ, trong đó có 1 triệu vụ ly hôn do nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc, ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). Số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học gần đây cũng cho thấy, có 30% số hộ gia đình tham gia trả lời cho biết: Trong 12 tháng, gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi bạo lực gia đình (theo quy định của Luật).
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này, các chính sách đầu tư nguồn lực từ nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai. Việc xử phạt vi phạm hành chính dù đã được thực thi nhưng chưa tương xứng với số vụ bạo lực gia đình do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Hình thức xử phạt hành chính hiện nay chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản đến việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân và xử lý người gây ra bạo lực gia đình…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo hướng quy định rõ một số khái niệm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, tăng mức xử phạt và hình thức xử phạt nhằm đảm bảo tính răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình…