Tại Đại lễ, Đại đức Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Phật giáo tỉnh Long An đã ôn lại lịch sử hình thành Phật giáo cách đây hơn 2500 năm về trước. Theo đó, tại thành Kapilavastu (Ấn Độ), Thái tử Siddhartha Gautama - vì thấy được bản chất cuộc đời là đau khổ nên đã khước từ mọi hạnh phúc, quyền uy thế gian để lựa chọn con đường xuất gia học đạo, quyết chí tìm ra một hướng đi mới cho nhân loại và giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ.
Suốt 49 ngày đêm tọa thiền dưới cội cây Bồ Đề, đến rạng sáng mùng 8 tháng 12 năm Tân Mùi, người chứng thành Vô Thượng Đạo, trở thành một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác - tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đấng Thiên Nhơn Sư - Vị giáo chủ đã khai sáng ra Đạo Phật.
Thấm nhuần con đường đạo lý của đức Phật, trong những năm gần đây, các hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội của Phật giáo luôn có sự đổi mới, bám sát thực tiễn sinh động, hướng đến con người, vì con người. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội được đông đảo tín đồ, Phật tử đồng lòng ủng hộ. Qua đó, các phật tử tỉnh Long An đã thực hiện trị giá hơn 107 tỷ đồng, xếp hàng thứ ba trong tổng thể giá trị công tác từ thiện xã hội cả nước.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 , Đại đức Thích Minh Thiện đề nghị các tín đồ, phật tử trong toàn tỉnh quan tâm giúp đỡ nhau để vượt lên khó khăn trong cuộc sống, tâm luôn hướng thiện; đồng thời, đóng góp vật chất lẫn tinh thần để ủng hộ người nghèo, tham gia trồng cây xanh để tạo môi trường xanh; cùng nhau nhắc nhở bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự, nhất là không tham gia giao thông khi có nồng độ cồn nhằm hạn chế tai nạn giao thông;…
Dịp này, Ban Tổ chức cắt băng khánh thành Trụ kinh Chuyển pháp luân khắc gỗ đầu tiên của Việt Nam sau khi Giáo hội Phật giáo chuẩn y. Trụ kinh được thiết kế cao 4,9 m với tinh thần hướng về tôn vinh ngày thành đạo, tôn vinh chánh pháp; bài Kinh Chuyển Pháp Luân là bài kinh đầu tiên Đức Phật thuyết pháp sau khi ngày thành đạo với cội Bồ Đề và được giáo hội chọn làm một bài kinh tiêu biểu của chánh pháp đức Chí tôn. Kinh này được thiết lập điêu khắc với 3 ngôn ngữ: Việt, BaLi và Anh nhằm lan tỏa Tuệ Giác của Đức chí tôn đến toàn cầu để giới thiệu mô hình trụ kinh mang đậm bản sắc văn hóa đạo pháp dân tộc tại Việt Nam; đồng thời giúp tín đồ, phật tử Long An đến chiêm bái...