Phát triển xăng sinh học còn nhiều trở ngại

Việc phát triển xăng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại và khó về đích đúng hạn.

Đó là nhận định chung của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Thừa nhận xăng sinh học có nhiều ưu thế như thân thiện với môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần tăng thu nhập cho người dân, nhưng theo những "người trong cuộc", thì hiện tại xăng sinh học ít được người tiêu dùng quan tâm sử dụng. Bên cạnh đó, các điều kiện "cần và đủ" để sản xuất xăng sinh học cũng chưa được đảm bảo.


Trạm xăng trên đường Hoàng Quốc Việt, một trong những điểm bán xăng sinh học tại Hà Nội. Hoàng Lâm - TTXVN


Với thực tế này, thì liệu có thể thực hiện được mục tiêu đưa xăng sinh học vào sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 1/12/2015, theo như đề án được Chính phủ phê duyệt từ năm 2007?

Xăng sinh học E5 là hỗn hợp của 95% xăng không chì và 5% ethanol nhiên liệu biến tính (nồng độ 97%). Nói một cách ngắn gọn, xăng E5 là xăng A95 có pha 5% cồn sinh học, xăng E5 sẽ giúp làm giảm hiện tượng kích nổ, tăng hiệu suất cháy, cho động cơ vận hành êm hơn và tăng tuổi thọ động cơ. Lượng khí độc hại thải ra môi trường của xăng sinh học ít hơn so với xăng truyền thống nên khi sử dụng xăng sinh học sẽ góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính, góp phần cho môi trường được an toàn và trong sạch hơn.


Doanh nghiệp bức xúc


Theo ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 6 nhà máy sản xuất xăng nhiên liệu sinh học đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu thuộc Công ty CP Đồng Xanh có công suất thiết kế 130 triệu lít/năm; nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu (Công ty TNHH Tùng Lâm) với công suất thiết kế 70 triệu lít/năm; nhà máy sản xuất bioethanol Đắc Tô - Kon Tum với công suất thiết kế 65 triệu lít/năm; nhà máy sản xuất ethanol sinh học Dung Quất với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm; nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu Bình Phước thuộc PV Oil có công suất thiết kế 100 triệu lít/năm.


Số lượng nhà máy thì nhiều, công suất cũng đều "phù hợp", tuy nhiên điều đáng lo ngại là đến nay hầu hết các nhà máy đều đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng, thậm chí nhà máy sản xuất ethanol thuộc Công ty cổ phần Đồng Xanh hiện đang tạm dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng
Vụ KHCN (Bộ Công Thương):

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thông qua ưu đãi về thuế, phí và hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác. Tuy nhiên ở Việt Nam, đến thời điểm này, sự tham gia của các bộ, ngành còn chưa nhiều. Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan như tài chính, khoa học công nghệ, giao thông vận tải… để phát triển sản xuất, tiêu dùng xăng nhiên liệu sinh học trên toàn quốc.

Bà Nguyễn Minh Lê (Ba Đình, Hà Nội):

Tôi cũng nghe nói nhiều đến xăng nhiên liệu sinh học, biết được tính năng thân thiện với môi trường của loại xăng này. Nhưng từ lâu, gia đình tôi vẫn quen dùng loại xăng bình thường nên ngại đổi sang loại xăng này. Hơn nữa, cũng không có nhiều chỗ bán xăng nhiên liệu nên nếu có dùng thì cũng rất bất tiện. Đại diện Tập đoàn dầu khí Việt Nam: Chính phủ cần có chính sách dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư như: Miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối nhiên liệu sinh học trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông; hỗ trợ thuế VAT đối với sản phẩm đầu ra cho các nhà máy nhiên liệu sinh học…


Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng "èo uột" này của việc sản xuất xăng sinh học. Trong đó, có nguyên nhân là việc chưa tìm được "đầu ra". Theo các doanh nghiệp sản xuất ethanol, tính đến cuối năm 2012, năng lực sản xuất xăng sinh học của cả nước đạt 535 triệu lít/năm, một con số có thể nói là rất khiêm tốn. "Thế nhưng điều đáng nói là chỉ với con số khiêm tốn này mà chúng tôi cũng đã gặp khó khăn trong việc tiêu thụ rồi, thì làm sao có thể nghĩ tới việc mở rộng sản xuất", một đại diện doanh nghiệp bức xúc cho biết.

Đó cũng là tâm trạng chung của đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Theo đại diện PVN, nếu theo đúng kế hoạch, đến năm 2014 - 2015, nếu cả 3 nhà máy của PVN đi vào hoạt động ổn định với 100% công suất thì sẽ cung cấp ra thị trường mỗi năm 300.000 m3 ethanol nhiên liệu, đủ để pha được 6 triệu m3 xăng E5 (tương đương với 94% nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước năm 2014) hoặc 3 triệu m3 xăng E10 (tương đương với khoảng trên 40% nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước năm 2017). Tuy nhiên, do việc tiêu thụ ethanol nhiên liệu trong nước vẫn còn rất hạn chế, nên hiện tại các đơn vị sản xuất ethanol nhiên liệu phải tìm phương án xuất khẩu sang một số nước lân cận trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Philíppin… để đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm của các nhà máy. "PVN là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư và đưa sản phẩm xăng sinh học ra thị trường, và đã phải đầu tư chi phí ban đầu rất lớn cho nhà máy sản xuất; thế nhưng khi xăng sản xuất ra lại không tiêu thụ được tại thị trường trong nước", đại diện PVN cho biết.


"Việc vận chuyển, tiêu thụ xăng sinh học phải có điều kiện riêng so với xăng thông thường, trong khi trên thực tế các cơ sở phân phối lại chưa được hưởng những ưu đãi, vì thế trên cả nước hiện nay mới chỉ có 160/13.000 cửa hàng xăng dầu bán loại xăng này", một đại diện doanh nghiệp khác chia sẻ.

Bên cạnh đó, là những nguyên nhân như giá thành, thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho hoạt động phân phối và tiêu thụ xăng sinh học còn nhiều bất cập. Ngoài ra, cơ chế ưu đãi cho sản phẩm thân thiện môi trường này cũng còn thiếu, hoặc có độ "vênh" nhất định với thực tế triển khai.


Cần sự đầu tư đồng bộ


Theo lộ trình sử dụng xăng sinh học được Thủ tướng phê duyệt, từ ngày 1/1/2014, xăng sinh học E5 sẽ được sử dụng cho các phương tiện giao thông tại 7 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa-Vũng Tàu. Và kể từ ngày 1/12/2015, xăng E5 sẽ được sử dụng rộng rãi cho các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, với thực tế như hiện nay thì khó bảo đảm được kế hoạch này.


Trả lời về những bức xúc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công Thương) cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc đầu tư, quảng bá cho sản phẩm này của mình. Vẫn biết là xăng sinh học có nhiều ưu điểm, tuy nhiên hiện hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn chưa chủ động tích cực đầu tư cho mạng lưới phân phối, khiến việc phát triển mạng lưới còn chậm, không đáp ứng được tốc độ của các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, dẫn tới việc "bí" đầu ra.


Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với nhiên liệu sinh học chủ yếu khuyến khích sản xuất, còn chưa có cơ chế hỗ trợ lĩnh vực phân phối, kinh doanh. Trong khi chờ lộ trình có hiệu lực, nhiều nhà máy sản xuất phải hoạt động cầm chừng đồng thời hướng tới xuất khẩu phần lớn sản phẩm với chi phí cao. Hệ quả là các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol E100 trên cả nước hoạt động với công suất 20%, thậm chí phải ngừng sản xuất.


Nhiều chuyên gia nhận định, để thúc đẩy sản xuất và phát triển xăng nhiên liệu, điều đầu tiên là phải hướng tới người tiêu dùng. Thực tế, phần lớn người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin về loại nhiên liệu mới này nên còn tâm lý dè dặt, lo ngại khi sử dụng. “Đặc biệt, từ cuối năm 2011 đến nay, xảy ra nhiều hiện tượng các phương tiện giao thông bị cháy nổ chưa rõ nguyên nhân, cộng với nguồn tin thiếu rõ ràng khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng các loại nhiên liệu sinh học như xăng E5 là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác kinh doanh xăng E5”, ông Cường cho biết.


Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn trồng sắn nguyên liệu cho người dân để tăng năng suất mà không cần mở rộng diện tích vẫn đạt hiệu quả cao, đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất. Đặc biệt, cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về chất lượng sản phẩm và tin dùng xăng E5.


Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN