Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW trong phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện.
Thời gian qua Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết 28 -NQ/TW trên phạm vi cả nước, sâu rộng dưới nhiều hình thức; thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết số 28 trình Chính phủ ban hành nhiều quy định về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, quy định tham gia BHXH với người lao động nước ngoài, xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với những thay đổi về căn cứ đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết số 28…
Bộ LĐTBXH đánh giá, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 28, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã có thay đổi nhận thức rất lớn về chính sách BHXH. Vì vậy, chỉ sau 4 tháng (từ tháng 9 -12/2018) triển khai Chương trình động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28, cả nước đã phát triển mới được hơn 40.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến hết quý I/2019, số tham gia BHXH tự nguyện toàn quốc đạt khoảng 312.000 người, tăng 89.106 người so với thời điểm tháng 9/2018.
Với những kết quả trên, Bộ LĐTBXH đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2019 phát triển tăng mới được ít nhất 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Bộ LĐTBXH, mục tiêu này hoàn toàn khả thi khi có sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của các bộ, ngành, đặc biệt là BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cùng các địa phương. Trong đó, 5 giải pháp được các đơn vị hữu quan và địa phương triển khai gồm: Xây dựng kế hoạch phát triển người tham gia BHXH tự nguyện có sự phân công trách nhiệm cụ thể từng bên; Tính toán và giao chỉ tiêu phát triển số lượng cụ thể của từng địa phương để ngành BHXH và ngành Bưu điện vận động thuyết phục từng người, từng nhà; Tổ chức 2 hội nghị khu vực trong tháng 4 - 5/2019 với sự tham gia của lãnh đạo các địa phương nhằm bàn giải pháp thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, trọng tâm phát triển là nông dân và lao động khu vực phi chính thức; Chuẩn hoá tài liệu tuyên truyền để triển khai khoảng 5.000 hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp đến từng thôn xóm; Tập huấn đội ngũ tuyên truyền viên nhằm tuyên truyền mạnh mẽ về lợi ích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ các đề án phục vụ cho việc phát triển đối tượng tham gia BHXH như: Đổi mới toàn diện nội dung hình thức tuyên truyền; thí điểm thực hiện gói BHXH tự nguyện ngắn hạn; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin trong quản lý, giải quyết chế độ BHXH; nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BH thất nghiệp.
Bộ LĐTBXH cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan, đặc biệt là BHXH Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các Đề án về: Nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư quỹ BHXH; ngăn chặn hành vi trục lợi, gian lận tiền BHXH; uỷ thác thu BHXH; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH và xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước.