Bác sỹ gia đình là người trực tiếp giúp bệnh nhân giải quyết được 80% các vấn đề sức khỏe thông thường cùng các bệnh lý cấp hay mạn tính chưa có biến chứng cũng như chưa cần chuyển khám chuyên khoa. Như vậy, việc phát triển mô hình bác sỹ gia đình sẽ góp phần vào việc giảm tải tại các bệnh viện tuyến trên.
Tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM), số bệnh nhân đến khám và điều trị khá đông, có người đợi từ sáng sớm đến chiều mới được khám. Sự chờ đợi mệt mỏi này thường xảy ra tại các bệnh viện lớn. Dù phải chờ đợi khá lâu nhưng người dân vẫn thích đổ xô về các bệnh viện lớn để khám và điều trị. Chị Ngọc Anh (quận Bình Thạnh) cho biết: “Mấy bữa nay thời tiết thay đổi, tôi bị ho và thấy mệt mỏi trong người nên đến đây khám xem có bị bệnh gì không”. Khi chúng tôi hỏi: “Sao chị không đi khám ở trạm y tế phường, xã cho gần?”. Chị Anh nói: “Mặc dù nhà ở gần trạm y tế phường 21, quận Bình Thạnh nhưng ít khi nào tới đó khám, tới các bệnh viện lớn khám, cho yên tâm”.
Thực tế cho thấy, các cơ sở y tế phường xã vẫn chưa thu hút và tạo được niềm tin ở bệnh nhân. Vì vậy dẫn đến tình trạng các trạm y tế vắng bệnh nhân trong khi đó các bệnh viện tuyến trên thì lại quá tải.
Nhân rộng mô hình bác sỹ gia đình sẽ góp phần giảm tải tại các bệnh viện tuyến trên. |
Bác sỹ gia đình là những người phát hiện, chẩn đoán, xử lý các bệnh phổ biến và cấp cứu thông thường ở cộng đồng, đặc biệt giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Họ sẽ là người trực tiếp điều trị và tư vấn cho bệnh nhân. Các bác sỹ này sẽ theo dõi rất chặt chẽ diễn biến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trên địa bàn của mình và việc theo dõi này sẽ được thực hiện liên tục đến suốt đời. Nhờ vậy, mỗi khi bị ốm, người bệnh không cần đi đến bệnh viện ngay. |
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện có nhiều nước trên thế giới đang rất thành công trong việc giảm tải ở các bệnh viện lớn thông qua việc phát triển mạng lưới bác sỹ gia đình. Mô hình này đã và đang được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và được xem là một trong những kế hoạch nhằm củng cố tuyến y tế cơ sở.
Theo đúng lộ trình đặt ra, từ nay đến cuối năm 2011, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ xác định các yêu cầu về nhân sự, mỗi một trạm y tế sẽ cử một bác sỹ đi học lớp định hướng về bác sỹ gia đình. Đồng thời, phát triển cơ sở vật chất và đầu tư kinh phí cho việc thành lập mô hình bác sỹ gia đình tại các trạm y tế quận/huyện; hoàn tất được các văn bản, hướng dẫn về hành nghề bác sỹ gia đình. Đến năm 2012 mô hình này sẽ được triển khai thí điểm tại 24 quận/huyện. Mỗi một trung tâm y tế quận/huyện sẽ chọn ra một trạm y tế có đủ điều kiện để thực hiện mô hình này. Từ năm 2013 - 2020 mô hình này sẽ được nhân rộng ra 322 trạm y tế phường, xã và các phòng mạch tư nhân.
Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho việc phát triển bác sỹ gia đình, hiện tại trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khóa đào tạo sau đại học chuyên về bác sỹ gia đình và từ khóa học năm 2010 – 2011, trường ĐH Y Hà Nội đã mở thêm mã ngành đào tạo “Bác sỹ gia đình”.
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, bác sỹ gia đình là người giúp bệnh nhân và gia đình họ giải quyết được 80% các vấn đề sức khỏe thông thường cùng các bệnh lý cấp hay mạn tính chưa có biến chứng cũng như chưa cần chuyển khám chuyên khoa. Điều này sẽ giúp bệnh nhân không phải đi xa, giảm chi phí và tăng hiệu quả điều trị do áp dụng các biện pháp tăng cường sức khỏe song song với các liệu pháp dùng thuốc.
Những người hoạt động trong mô hình bác sỹ gia đình là những bác sỹ đa khoa, có trình độ tương đối toàn diện; được đào tạo bài bản, có thể giải quyết được những vấn đề sức khỏe ban đầu, đồng thời phải có kỹ năng tư vấn tâm lý, quản lý xã hội để có thể khám, chẩn đoán, tiên lượng và kể cả tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh.
Việc áp dụng mô hình bác sỹ gia đình tại các trạm y tế sẽ góp phần làm giảm tải tại các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại các trạm y tế và từng bước tiến đến quản lý sức khỏe cộng đồng.
Đan Phương