'Phân hữu cơ' hay chất thải của Bột ngọt Miwon?

Đã nhiều năm nay, ở khu vực xã Tân Thịnh huyện Văn Chấn (Yên Bái) xuất hiện một loại phân bón mới (MV-L) được Công ty TNHH Miwon Việt Nam, có trụ sở tại phố Sông Thao, phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì (Phú Thọ) đem cho không một số đầu mối để bán cho người dân bón cho cây trồng với giá rẻ bất ngờ: 300.000 đồng/tấn. Không ít người dân và cơ quan có trách nhiệm nảy sinh nghi ngờ liệu đây có phải phân bón hay chỉ là chất thải của Miwon?

Loại phân bón (MV-L) của Cty Miwon Việt Nam ở dốc Đát Quang (Văn Chấn) chuẩn bị tưới cho chè. Ảnh: nongnghiep.vn.


Giống với Công ty Vedan, Công ty TNHH Miwon cũng là doanh nghiệp nước ngoài sản xuất bột ngọt tại Việt Nam, vì vậy trước những lo toan phân bón MV-L là chất thải của Miwon đang lưu hành tại Yên Bái nên chúng tôi đã đến gia đình ông Đinh Trọng Vương, trú tại thôn 3, là đầu mối của Công ty TNHH Miwon Việt Nam tiếp nhận và cung ứng phân MV-L cho các hộ dân ở huyện Văn Chấn để tìm hiểu vấn đề này.

Ông Vương cho biết: "Chúng tôi đang dùng thử loại phân này, đây là loại phân đã được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho phép sử dụng. Mỗi năm Công ty Miwon chở lên đây khoảng 10 xe, mỗi xe trên 20 tấn, họ không lấy của chúng tôi đồng nào, tôi bán cho các hộ 300 ngàn đồng/tấn, còn phun lên đồi cộng công phun, xăng dầu, vận chuyển thì giá 750 đồng/tấn. Hiện nay đã có khoảng 1.000 hộ dân đang sử dụng loại phân này, gồm các xã: Tân Thịnh, Đồng Khê, huyện Văn Chấn và các xã Hồng Ca, Hưng Khánh huyện Trấn Yên... Ngoài tưới cho chè nhiều hộ tưới cho lúa và rau. Người dân thấy tốt thì họ mới sử dụng. So với các loại phân khác, phân này rẻ hơn rất nhiều. Còn nếu Nhà nước bảo phân này độc hại, không được sử dụng thì tôi dừng ngay, yêu cầu nhà máy hút tất cả số phân chở lên đây mang về".

Ông Vương còn cho biết thêm, ở Yên Bái có gia đình ông và một gia đình khác ở huyện Lục Yên hiện đang được Công ty TNHH Miwon cho phân này đến tiêu thụ mà không lấy tiền. Khi được hỏi tại sao lại như vậy, ông Vương cho hay, sở dĩ họ cho không chúng tôi là vì nếu họ đầu tư hệ thống xử lý chất thải thì sẽ rất tốn kém hơn là dùng xe chở đi cho không chúng tôi để cung cấp cho người dân bón cho đồng ruộng.

Để tìm hiểu thêm chúng tôi đã gặp anh Trần Văn Nghị, thôn 8, xã Hưng Khánh, anh Nghị cho biết: ở thôn 8 cũng có nhiều gia đình sử dụng loại phân này để tưới cho chè thông qua ông Vương ở xã Tân Thịnh. Giá mỗi tấn từ 700-750 ngàn đồng, hiện nay giá tăng lên 850 ngàn đồng/tấn, ông Vương chở đến chân đồi rồi dùng máy bơm bơm thẳng lên đồi chè. Một tấn phân có thể bón cho một ha hay nửa ha là tùy yêu cầu của chủ nhà. Tôi có mua một ít tưới cho rau và lúa thấy tốt, nhưng không biết sau này thế nào nên không dám dùng...

Theo anh Nghị, những gia đình tưới phân này chè xanh tốt, giá lại rẻ hơn so với nhiều loại phân khác, nên người dân sử dụng ngày một nhiều hơn. Khi tưới phân này giun, dế ở các rãnh chè và cỏ đều chết. Anh Nghị không biết mức độ độc hại của loại phân này đối với đất đai và cây trồng nay mai như thế nào. Hiện đồi chè nhà anh Nghị chưa sử dụng phân này vì xa đường nên vận chuyển các thùng phân lên đó rất khó khăn. Vả lại, anh Nghị cũng lo sợ nếu bón phân này làm đất trai lại về sau sẽ làm hỏng cả đồi chè.

Được biết, các cơ quan chức năng của Yên Bái bắt đầu xúc tiến việc tìm hiểu rõ xem loại phân bón này ảnh hưởng đến môi trường và cây cối ra sao. Trước những lo toan về việc phân bón MV - L có thể gây độc hại cho môi trường, ông Lại Thế Hùng Giám đốc Dự án Qseap (Dự án Sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP), sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Do chưa xác định được hàm lượng kim loại nặng và các vi sinh vật gây hại khi sử dụng loại phân bón MV-L nên ngày 28/5/2013 đã gửi công văn yêu cầu các Công ty và các hộ, nhóm hộ đăng ký sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP không sử dụng phân bón lỏng MV-L.

Mặc dù đến nay chưa thể khẳng định loại phân bón MV-L có để lại hậu quả về môi trường hay không, điều này đang chờ các cơ quan chức năng vào cuộc. Song một điều chắc chắn rằng nếu MV-L chỉ là chất thải của Miwon thì hậu quả của nó sẽ khó có thể lường hết được. Bởi trước đó, người dân ở Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đã phải gánh chịu ra sao khi Vụ Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải, vụ gây ô nhiễm môi trường được Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phát hiện ngày 13/9/2008 tại Công ty Vedan Việt Nam.


Đức Tưởng

Vụ Công ty Vedan gây ô nhiễm: Đã hoàn thành đền bù cho dân

Đến thời điểm này, gần 6.000 hộ dân thiệt hại của 4 xã thuộc hai huyện trên đã nhận 100% số tiền đền bù, với số tiền gần 120 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN