Phấn đấu vận hành thử nghiệm thị trường carbon vào cuối năm 2025

Theo TS Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), các bộ, ngành đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu vận hành thử nghiệm thị trường carbon vào cuối năm 2025.

Chú thích ảnh
Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 với chủ đề "Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới".

Ngày 18/7, tại Hà Nội, Viện Tư vấn phát triển (CODE) phối hợp với Tạp chí Nhà quản trị (Theb LEADER) tổ chức Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 với chủ đề "Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới". Đây là sự kiện thường niên được tổ chức nhằm đóng góp có ý nghĩa vào tiến trình thực thi cam kết quốc tế của Chính phủ về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ cộng đồng quốc tế.

Ngay sau COP26, Thủ tướng đã ban hành Đề án thực hiện các cam kết nêu trên. Đề án này tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính nhằm đạt mục tiêu Net Zero gồm: Chuyển đổi năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển rừng và các hệ sinh thái; thu hồi và lưu trữ carbon; định giá carbon và phát triển thị trường carbon.

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Việt Nam hiện có khoảng 150 dự án đã được cấp khoảng 40,2 triệu tín chỉ carbon và đưa vào giao dịch quốc tế. Việt Nam cũng là một trong bốn quốc gia có số lượng dự án theo cơ chế CDM (cơ chế phát triển sạch) đăng ký nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ. Việc đẩy nhanh phát triển thị trường carbon là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước thực hiện các cam kết về phát thải ròng bằng 0.

Về cơ sở pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon vào ngày 24/1/2025. Theo đó, từ nay đến năm 2028, Việt Nam sẽ triển khai vận hành thử nghiệm, và đến năm 2029 sẽ vận hành chính thức, đồng thời kết nối với thị trường carbon thế giới. Trước đó, Nghị định số 06 của Chính phủ, ban hành ngày 7/1/2022, quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Gần đây nhất là Nghị định 119, ban hành ngày 9/6/2025, sửa đổi một số điều của Nghị định 06.

Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định về Sàn giao dịch carbon. Theo đó, sàn giao dịch này sẽ tập trung quản lý và giao dịch các tín chỉ carbon trong nước theo tiêu chuẩn trong nước, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như quy định tại Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận Paris, cùng các cơ chế độc lập như Vera, Gold Standard. Tất cả các tín chỉ này sẽ phải được đăng ký trên hệ thống thống nhất, bảo đảm quản lý tập trung và minh bạch.

Chú thích ảnh
Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu tham dự.

Ông Nguyễn Tuấn Quang cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Nghị định về trao đổi quốc tế kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật cần thiết, phấn đấu vận hành thử nghiệm thị trường carbon vào cuối năm 2025.

Tại Diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp tiêu biểu về thực  hiện giảm phát thải đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ mô hình, kinh nghiệm nhằm hướng tới xây dựng thị trường carbon minh bạch, hiệu quả, một lĩnh vực còn mới nhưng đầy tiềm năng tại Việt Nam. Đồng thời đề xuất những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hướng đến Net Zero.

Nhân dịp này Ban tổ chức Diễn đàn đã trao biểu trưng “Hành trình Net Zero tiêu biểu” cho các dự án, sáng kiến, cá  nhân, doanh nghiệp và tổ chức đã thực thi nhiều giải pháp có ý nghĩa lớn để giảm phát thải và trung hòa carbon hoặc có đóng góp quan trọng vào tiến trình giảm phát thải và trung hòa carbon cho cộng đồng.

Thế Đoàn/Báo Tin tức và Dân tộc
'Hàm cá mập' biến mất, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục rộng mở
'Hàm cá mập' biến mất, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục rộng mở

Sau gần 1 tháng triển khai, việc phá dỡ tòa nhà "Hàm cá mập" (phường Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành, tạo không gian mới cho quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN