“Ông vua” cam canh đất Hà Thành

Có lúc vì quá mệt ông đã tạm chợp mắt, thậm chí đã nhiều đêm ngủ lại trên cánh đồng. Tình yêu, niềm đam mê và lòng nhiệt huyết ông Lê Đức Giáp đã chôn chặt vào đồng đất quê mình, để giờ đây biến tấc đất thành tấc vàng mà ở xã thuần nông Cao Viên - Thanh Oai (Hà Nội) xưa nay hiếm.

 

Có lẽ danh hiệu công dân ưu tú thủ đô 2012, mặc dù rất vinh dự, tự hào, nhưng đối với ông Giáp chỉ xem đó là bề nổi. Còn cái chìm sâu trong đáy lòng mà ông luôn đau đáu là làm sao vừa làm giàu cho chính mình mà còn tìm cách giúp đỡ dân làng. Ông luôn nghĩ và quan niệm, không li nông, không li hương mà vẫn li được cái đói nghèo. Cuộc đời làm kinh tế của ông cũng lắm gian truân với nhiều buồn vui, để giờ đây mô hình trồng cam canh và cây cảnh ngũ quả phục vụ Tết đã cho thu nhập cao với lãi ròng 500 triệu đồng ha/năm. Ông Giáp được người dân khắp nơi, kể cả ngoài địa bàn Hà Nội biết đến và xưng với cái tên “ông vua” cam canh.


Lập nghiệp với lòng tin và sự kiên trì


Mặc dù đã gọi điện hẹn ông Giáp trước khi xuống thăm mô hình trồng cam của gia đình, vậy mà đến vườn cũng chỉ gặp được vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh. Bà cho biết: “Ông ấy đang tranh thủ chạy sang nhà hàng xóm hướng dẫn kỹ thuật trồng cam. Hễ đi đâu, khi về nhà ông lại ra vườn cam nên có việc gì cứ tìm ông ở vườn”. Rồi bà tiếp chuyện: “Lối đi dẫn vào vườn mà các anh chị vừa qua, vài năm gần đây Tết đến người mua cam tấp nập, đến mức xe máy để bạt ngàn không còn lối ra vào vườn nữa”.

 

Ông Lê Đức Giáp bên cây ghép 7 loại quả.


Ông Giáp nhớ lại thời gian đầu, khi gia đình ông bắt tay vào làm mô hình trồng cam năm 2002, chuyển đổi mô hình từ đất trồng lúa sang trồng cam, trong xã chỉ có 7 người. Ông đã mày mò đi khắp nơi, rồi xuống tận tỉnh Hưng Yên để mua giống và học hỏi kỹ thuật. Ông xin tham gia vào những khóa đào tạo, tập huấn của Trung tâm khuyến nông (lúc đó vẫn thuộc tỉnh Hà Tây cũ). Không ngại khó, ông cứ tự mình mày mò, học hỏi rồi tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Ban đầu ông trồng ít, qua nhiều lần thất bại lại đứng lên và dần dần vay vốn mở rộng quy mô.

 

Ông xác định, làm ăn chuyên nghiệp thì mới đem lại hiệu quả cao nên phải đầu tư thâm canh cây trồng. Vì vậy, chất lượng cam được nâng lên, giá thành ngày một cao hơn. Năm 2003, giá cam tại vườn bán buôn là 25.000 đồng/kg; nhưng đến năm 2012, giá cam bán buôn đã tăng lên 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá tăng một phần cũng do thị trường biến động, nhưng chất lượng cam ngon là điều không ai có thể phủ nhận. Khi bán hàng uy tín, cam của ông dần có thương hiệu, khách hàng tự tìm đến, nên năm nào vườn cam cũng có đầu ra ổn định, ngày càng có lãi cao để lấy ngắn nuôi dài.


Để có được những cây cam tươi, những quả cam chín mọng và một vườn cam mang hiệu quả kinh tế cao như hiện nay, ông đã phải nếm trải những thời điểm khắc nghiệt, có lúc tưởng chừng bị mất trắng gia sản, công sức lao động. Điển hình, vào năm 2008, trận lụt lịch sử kèm theo mưa đá đã làm vườn cam của gia đình tan hoang, thu hoạch chỉ vớt vát. Với ý chí quyết tâm, lòng kiên định và niềm đam mê gắn bó với đồng ruộng đã thôi thúc ông đứng lên khôi phục vườn. Từ sáng đến tối, người ta thấy bóng dáng người đàn ông cao gầy, nước da ngăm đen, khoảng ngoài năm mươi cần mẫn băm từng quốc đất, gieo xuống những mầm non, chờ ngày ra hoa kết trái. Nhiều hôm mệt mỏi ông ngủ luôn tại vườn.


Cứ mò mẫm như thế, dần dà có thêm nhiều kinh nghiệm, vượt qua khó khăn. Theo ông, để trồng cam thành công cần có nhiều yếu tố, trong đó chọn cây giống, bố trí thời vụ, chế độ chăm sóc là đặc biệt quan trọng. Ông thấm thía và hiểu hơn ai hết được sự vất vả, cực nhọc và biết tôn trọng giá trị nhưng ngày đầu lập nghiệp. Thế nên, bây giờ anh em, họ hàng hay những người từ nơi xa đến học hỏi, có khó khăn ông đều sẵn sàng giúp đỡ. Mô hình trồng cam của anh Đinh Quang Thắng ở xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ mà từ đầu ông giúp đỡ nay đã cho thu nhập 800 triệu đồng/ha...


Tổng diện tích trồng cam của ông có một ha, trong đó một nửa trồng cây cam cảnh, nửa còn lại những vùng đất xấu hơn ông dùng trồng cây giống, hiện cung cấp cho hàng trăm hộ gia đình từ các tỉnh, thành lân cận. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo, gần đây đã chọn mô hình vườn cam của ông Giáp để tham quan chuẩn bị dự tổng kết các phong trào sản xuất của Hội nông dân. Ông Nguyễn Thế Thảo đánh giá, đây là mô hình đặc thù, kết hợp tốt việc sản xuất gắn với nhu cầu tiêu thụ, nên cho hiệu quả cao.


Cái duyên đến với cây quả ghép


Người công dân ưu tú của thủ đô này, không chỉ được biết đến với việc giúp đỡ mọi người làm kinh tế, mà còn bởi sự sáng tạo, tài hoa, là người đầu tiên hiện nay ghép thành công bảy loại quả trên cùng một cây.


Cái duyên của ông đến với cây ghép cũng thật tình cờ. Một lần đi qua đường Láng Hòa Lạc, thấy người ta bán cây cam cảnh, bưởi cảnh ở ven đường đã tò mò dừng lại xem. “Tôi thấy có những quả họ ghép để cho cân đối cây, nhưng thấy vẫn chưa ưng ý vì còn chưa đa dạng, nên tôi đã nảy ra ý định nghiên cứu để làm đẹp hơn”.


Ông đã bắt tay vào nghiên cứu. Vào năm 2006, lúc đó do chưa tính toán được chính xác chu kỳ, thời gian sinh trưởng của từng loại quả sống trên cùng một cây. Nên mặc dù ghép đi, ghép lại nhiều lần vẫn thất bại, các loại quả chín không đồng đều một lúc và thường chín rộ rụng trước thời điểm Tết đến. Ví dụ, quả bưởi diễn, ra hoa từ tháng giêng mà đến tháng Chạp quả vẫn còn trên cây; còn quả phật thủ và quả quất thì ra hoa từ tháng 7 đến tháng Chạp chín đồng loạt… Ông quyết tâm tìm tòi đến nhịn ăn, nhịn ngủ trong sự hoài nghi và ngăn cản của nhiều người. Và đến nay sau nhiều năm làm thử nghiệm (2006-2009), ông đã ghép thành công bảy loại quả trên cùng một cây và năm 2009 đã bắt đầu cho ra thị trường tiêu thụ.


Cây ghép năm loại quả, bảy loại quả không chỉ đơn thuần là vì kinh doanh, lợi nhuận, mà còn thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật của những người rành chơi cây cảnh Tết. Cây ghép năm loại quả, tượng trưng cho mâm ngũ quả để thờ cúng ngày Tết. Còn cây ghép bảy loại quả muốn nói sự hòa hợp, gắn bó, sum vầy những ngày Tết đến xuân về mà ai ai cũng hướng tới.


Hiện nay, vườn gia đình ông Giáp có hàng trăm cây cam, nhiều cây lâu năm, hàng chục cây ghép ngũ quả. Trước Tết khách đã đặt mua phần lớn số cây trong vườn chỉ chờ ngày vận chuyển. Cây bảy loại quả có giá dao động từ 10 - 12 triệu đồng/cây; cây ghép loại 3 - 5 quả dao động từ 1 - 5 triệu đồng/cây.


Thời gian kể từ khi chọn cây thực hiện ghép cho đến khi cho thu hoạch vừa tròn một năm. Những cây được chọn ghép có bộ rễ chùm cực khỏe, thông thường chọn cây bưởi, sau đó ghép các quả khác vào như: Cam canh, cam Malaixia, cam Vinh; phật thủ; quýt đưa... Việc ghép các loại quả vào cũng theo từng thời điểm thích hợp với thời gian phát triển, để làm sao đến dịp Tết về tất cả các loại quả đều đồng loạt chín rộ với màu sắc rực rỡ.


Những khách hàng đến với cây ghép của ông cũng thật đặc biệt, không ít người mua về nhà, làm quà biếu, nhưng cũng nhiều người vì muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp đã vào đây du xuân, lưu hình kỷ niệm. Có lẽ đây cũng là động lực, niềm vui giúp ông ngày càng yêu và đam mê với những cánh đồng cam phủ màu xanh mướt.

 


Bài và ảnh: Nguyễn Văn Cảnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN