Nợ nần chồng chất
Buổi trưa trời đổ nắng như thiêu đốt, bên chiếc ao bỏ hoang nước đã cạn gần sát đáy ở ấp Cả Thu (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang), anh Trần Thanh Điền đang ra sức kéo lưới để kiếm vài con cá cho bữa ăn chiều nay của gia đình. Thế nhưng, quần quật hơn 30 phút đồng hồ, tấm lưới của anh Điền vẫn trống rỗng.
Cù lao Tân Phú Đông đang thiếu nước ngọt nên người dân phải lấy nước ao nhiễm mặn để sử dụng. |
Đặt tấm lưới trên bờ và đốt điếu thuốc để xua đi cảm giác thất vọng, anh trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống gia đình anh kể từ khi 8 công (8.000 m2) ruộng trồng lúa thu đông bị mất trắng do hạn, mặn xâm nhập sớm. Anh kể, mới sạ lúa được gần 30 ngày thì nước mặn tràn vào đã khiến lúa đang giai đoạn đẻ nhánh bị lụi dần, lá bắt đầu cháy vàng và cháy khô ở chóp lá. “Lúc đó tôi lo quá, chạy mua vôi và thuốc để tìm cách rửa mặn nhưng tốn tiền cũng không cứu được ruộng lúa của mình. Mà cũng may là mình bị sớm nên thiệt hại cũng chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng tiền giống, phân diêm. Số tiền này tôi còn thiếu đại lý và chủ đất cho thuê ruộng mỗi năm bình là 15 giạ/công lúa. Tính sơ sơ thì tôi nợ tiền chủ đất và đại lý khoảng 10 triệu đồng”, anh Điền buồn nói.
Cũng theo lời anh, sau khi lúa chết, anh dự định đi vay ít vốn để trồng sả nhưng nghe khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện là tình hình hạn, mặn ngày càng căng thẳng nên đã từ bỏ ý định. “Mấy hôm nay, để có tiền lo cho cả gia đình 6 miệng ăn, tôi đi chở thuê cho mấy hộ thu mua sả. Mỗi ngày vừa chở và khiêng vác quần quật khoảng 4 tấn sả, tôi kiếm được 150.000 đồng. Vất vả lắm chỉ đủ tiền ăn, chứ nợ nần không biết sao mà trả được. Hiện tại, nhiều hộ trồng sả cũng chặt sả non để bán cho các tỉnh khác làm sả giống nên chắc vài hôm nữa việc trồng sả cũng tạm ngừng chờ đến mùa mưa mới trồng lại. Đến lúc đó, tôi không biết kiếm gì để làm thêm”, anh Điền tâm sự.
Đã từ nhiều năm qua, cây sả là loại cây được kỳ vọng giúp xóa đói giảm nghèo cho vùng đất nhiễm mặn Tân Phú Đông. Thế nhưng trước tình hình hạn, mặn gay gắt chưa từng có như hiện nay, cây sả cũng phải “bất lực” vì không trụ nổi, không thể mang về nguồn thu nhập ổn định lâu dài cho bà con nông dân nơi đây. Theo thông tin từ phòng NN&PTNT huyện, tổng diện tích trồng sả xuống giống từ đầu năm đến nay là 203 ha nhưng do tình hình hạn, mặn khiến cây sả kém phát triển và có đến 40 ha diện tích trồng sả đã chết với tỷ lệ thiệt hại từ 30 - 50%.
“Vừa rồi, chúng tôi đề xuất Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ đầu tư trình diễn hệ thống tưới nhỏ giọt cho những cây màu như: sả, ớt, bắp... phù hợp với điều kiện đặc trưng khan hiếm nguồn nước ngọt ở cù lao này. Nếu được Sở thông qua, bà con từng bước áp dụng công nghệ này thì sẽ ổn định, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập ngay cả trong mùa khô hạn. Còn riêng với cây lúa, giống hiện tại khả năng chịu mặn từ 4%0 trở lại nên đợt hạn, mặn này lúa không thể chịu nổi. Đợt rồi, chúng tôi có trình diễn giống lúa chịu mặn lên đến 8%0 nhưng vẫn chưa khả thi”, ông Nguyễn Trung Hòa, Phó phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, chia sẻ.
Rủ nhau đi làm thuê
Nằm dọc tuyến đường chính của huyện Tân Phú Đông, căn nhà lá tồi tàn của chị Lê Thị Kim Giàu bày biện một vài chiếc bàn nhỏ để bán nước giải khát. Theo lời chị, mỗi ngày thu nhập của quán cũng được vài chục ngàn đồng. Chồng chị đi nhổ sả thuê mỗi đêm kiếm được 100.000 đồng. Đây là thu nhập chính của cả gia đình có 4 miệng ăn.
Trường hợp của gia đình chị còn bi đát hơn anh Điền, vì vụ thu đông vừa qua đã bị thiệt hại 9 công lúa đã gần đến ngày thu hoạch. “Đầu tư hết tất thảy là 15 triệu đồng tiền giống, phân diêm, tiền thuê đất 5 triệu đồng/vụ. Nếu như vụ trước thu hoạch trung bình khoảng 60 bao lúa, loại 50 ký/bao, còn vụ này gia đình thu hoạch đúng 6 bao lúa loại 30 ký/bao. Do lúa lép hạt nên lúc đem đi xay thì toàn là tấm, bán không ai mua. Còn số nợ 20 triệu đồng, gia đình tôi cũng đang tính đường đi làm ăn xa để trả nợ”, chị rơm rớm nước mắt.
Bước vào gian bếp, chị mang ra cho chúng tôi xem những hạt lúa “gầy nhom” do bị nhiễm mặn và một nhúm gạo mà chị đã đem lúa đi xay để dùng. Cầm trong lòng bàn tay những hạt gạo vỡ nát, chị bùi ngùi nói: “Ở nơi này, cuộc sống của bà con khó khăn dữ lắm vì điều kiện sản xuất nông nghiệp khá khắc nghiệt. Những ngày thường, chỉ có phụ nữ, người lớn tuổi ở nhà, còn thanh niên trẻ đi lên thành phố làm công ty. Mà từ đợt hạn, mặn này, tôi thấy đi còn nhiều hơn vì nợ nần kiểu này phải đi để có tiền trả nợ chứ. Tết vừa rồi, mới mùng 4 Tết mà ở đây đã thấy thanh niên lũ lượt rủ nhau lên thành phố rồi. Con trai của tôi đang học lớp 7, mới tối hôm qua nó thủ thỉ với tôi: “Mẹ ơi, con thấy cha mẹ cực quá. Mẹ cho con học đến hết lớp 8, lúc đó đủ tuổi làm chứng minh nhân dân rồi con nghỉ để lên thành phố đi làm kiếm tiền phụ mẹ với cha để nuôi em”, chị Giàu buồn nói.
Trong chuyến công tác nắm tình hình hạn, mặn ở huyện Tân Phú Đông, chúng tôi còn gặp em Lê Thị Hiếu Kiên (15 tuổi) khi em vừa lên UBND xã để làm giấy chứng minh nhân dân. Theo lời em, sau khi có giấy chứng minh nhân dân em sẽ được giới thiệu vào làm ở một xưởng may ở quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh). Năm 2015 em đã học hết lớp 8 và đủ điều kiện lên lớp 9 nhưng chính vì hoàn cảnh nghèo khó, gia đình không có đất để sản xuất nông nghiệp em phải bỏ học để đi làm thuê, mướn phụ giúp cho gia đình. Những ngày qua, cũng chính vì tình trạng hạn, mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp cũng buộc em xa gia đình để lên thành phố mưu sinh. “Em nghe nói chủ xưởng may tốt lắm, trả lương cho em là 3,5 triệu đồng/tháng và bao ăn ở tại xưởng luôn. Em tính rồi, mỗi tháng em sẽ gửi về nhà 2 triệu đồng để phụ giúp gia đình, phần còn lại để chi tiêu cá nhân”, Hiếu Kiên nói với chúng tôi bằng ánh mắt đầy hi vọng.