Nam sinh viên tử nạn khi cứu ba mẹ con đi thả cá bị nước cuốn trôi
Như thông tin báo chí đã đưa, khoảng 12 giờ 30 phút ngày 8/2, chị Lê Thị Loan (giáo viên trường THCS xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cùng hai con nhỏ ra sông Ghép thả cá chép sau khi cúng ông Công ông Táo. Do trượt chân nên cả ba mẹ con bị dòng nước cuốn ra giữa sông.
Khu vực xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN |
Nghe tiếng kêu cứu, bất chấp dòng nước lạnh buốt đang dâng cao cuồn cuộn, em Hoàng Đức Hải cùng em Lê Bá Khánh và Lê Ngọc Vương đã dũng cảm nhảy xuống dòng sông cứu được 3 mẹ con chị Loan. Tuy nhiên do bị kiệt sức và mất nhiệt, em Hải đã bị dòng nước cuốn trôi. Đến chiều cùng ngày lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy mới tìm được thi thể em Hải.
Em Hoàng Đức Hải là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp tại Hà Nội, em vừa về quê ăn Tết với gia đình.
Chiều 9/2, thừa ủy quyền của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Văn Trung - Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã truy tặng huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho em Hoàng Đức Hải (xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia) vì hành động dũng cảm cứu 3 mẹ con chị Lê Thị Loan, thường trú tại thôn Hòa Bình, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thanh Hóa cũng quyết định trao Bằng khen cho hai cá nhân đã cùng em Hải tham gia quá trình cứu nạn là em Lê Bá Khánh (học sinh lớp 9C, Trường THCS xã Hải Châu) và em Lê Ngọc Vương (sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất), cùng trú xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Báo cáo Thủ tướng việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư trước ngày mồng 5 Tết
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 1418/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018 (tức mồng 5 Tết).
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 9/2, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã yêu cầu các chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành khẩn trương rà soát lại hồ sơ các ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
Trước đó, ngày 2/2, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã công bố số lượng các tân giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017. Theo đó năm 2017 Việt Nam có thêm hơn 1.200 tân giáo sư, phó giáo sư. Như vậy, so với năm 2016 tổng số giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017 tăng 1,7 lần.
Sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, có nhiều thông tin (kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng) phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến so với các năm trước, cùng nhiều lo ngại về chất lượng (như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học; không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học...); một số thành viên Hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.
Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một "đợt vét" trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư và có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước...
Huỳnh Thị Huyền Như lĩnh án tù chung thân
Ngày 9/2, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) án tù chung thân, tổng hợp hình phạt với bản án trước là chung thân.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên tòa ngày 8/2. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Hội đồng xét xử nhận định, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã xác định từ tháng 5 - 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như khi đó là Kiểm soát viên, Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh để huy động vốn của 5 công ty (Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjara (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc) gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định nhà nước.
Theo Hội đồng xét xử, ngay từ đầu Huyền Như đã chủ ý gian dối. Như đã thông qua tài khoản của Vietinbank để tạo niềm tin và đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, làm giả con dấu, giả hồ sơ để chiếm đoạt tiền của 5 công ty.
Huyền Như đã chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng, trong đó Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) giúp sức chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng. Do đó, buộc Huyền Như bồi thường cho 4 công ty: Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjara (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc. Ngoài ra, Như có liên đới với Tuấn bồi thường hơn 200 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần đầu tư Hưng Yên.