Nơm nớp lo nhà sập

Đó là tâm trạng chung của hàng chục hộ dân tộc Thái bản Nà Phạ, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) hiện nay. Đầu tháng 9, sau trận mưa như trút nước, cung đường sạt, trượt dài hàng trăm mét từ trên đỉnh bản Nà Phạ, phía Quốc lộ 279 như muốn vơ cả bản Nà Phạ, nhấn xuống dòng suối Nậm Mu.


Chị Hoàng Thị Vương, ở bản Nà Phạ, kể lại: Đêm 4/9, mưa to, chị đang ngủ thì giật mình tỉnh giấc vì thấy tiếng “cọt kẹt cọt kẹt” phát ra ở xung quanh nhà. Chị Vương liền đánh thức chồng, bế con gái nhỏ ba tuổi, chạy sang nhà người thân lánh tạm. Sáng hôm sau, quay về thì trong nhà đồ đạc ướt sũng. Trên mái nhà, hai tấm lợp Pro - xi măng bị vỡ nham nhở, dưới nền nhà xuất hiện vết lún sâu cả gang tay, chạy dọc nhà. Một nhà gần đó cũng bị sụp đổ do vết sạt. Rất may, không xảy ra thương vong gì. Vợ chồng chị Vương sau đó đã đến nhà Trưởng bản thông báo lại tình hình và chuyển đến ở tạm nhà người thân trong bản.


Cung lún, sạt dài hàng trăm mét cắt dọc nhà chị Vương


Những ngày sau đó, dù trời không mưa to nhưng vết lún, sạt chạy dọc nhà chị Vương ngày một to và sâu hơn như cái rãnh, làm cho ngôi nhà gỗ của vợ chồng chị Vương bị kéo, nghiêng hẳn về phía ta luy âm… Thấy có đoàn công tác của các cấp chính quyền về hỏi thăm, động viên, khảo sát tình hình này, vợ chồng chị Vương đã kiến nghị xin được hỗ trợ chuyển đến nơi ở khác, để sớm ổn định cuộc sống. Nhưng chờ mãi không thấy có chương trình hỗ trợ gì, mà đi ở nhờ mãi cũng rất bất tiện, vợ chồng chị Vương đành nhờ mấy người họ hàng thân thiết về cùng nâng nhà, kè, kê lại các chân cột nhà. Rồi đành lòng, liều về nhà ở như cũ.


Chị Vương bảo bây giờ “ngủ ở nhà mình mà không được yên, không biết nhà trôi đi lúc nào nữa”.


Nhà chị Vương bị cung trượt, sạt kéo nghiêng về phía ta luy âm


Ông Hoàng Văn Chài, Trưởng bản Nà Phạ, người đã sống 40 năm ở đây cho biết, từ năm ngoái, tại sườn dốc của bản đã xuất hiện vết nứt này nhưng vào mùa mưa năm nay, vết nứt này ngày một dài, sâu và nguy hiểm hơn. Mới đây đã có hai nhà bị sập đổ trong đêm. Hiện tại, hai hộ đang phải đi ở nhờ nhà của anh em và chờ sự hỗ trợ từ phía huyện, chính quyền địa phương…


Để đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản, các hộ dân trong bản Nà Phạ đều muốn di dời đến nơi ở mới, an toàn. Tuy nhiên bà con ở bản Nà Phạ muốn hỗ trợ thêm công vận chuyển, vì mức hỗ trợ 10 triệu đồng như hiện nay bà con không thể dỡ, dựng lại nhà được. Bà con mong muốn Nhà nước hỗ trợ từ 40 đến 50 triệu đồng để di chuyển.


Cả bản Nà Phạ mong sớm được hỗ trợ để chuyển đến nơi ở mới an toàn.


Để đảm bảo cho các hộ dân bản Nà Phạ sống phía dưới ta luy âm được an toàn trong mùa mưa, Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên đã đề nghị Ban Quản lý Thủy điện 1 khẩn trương nghiên cứu phương án thiết kế xử lý rãnh dọc khu vực, chuyển từ rãnh đào đất thành rãnh hộp bê tông để hạn chế tối đa nước mưa ngấm theo cung sạt trượt. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tình thế tạm thời, nếu kéo dài sang mùa mưa sang năm thì khó có thể đảm bảo an toàn cho người dân.


Cung trượt dài hàng trăm mét chạy thẳng vào nhà chị Vương.


Bên cạnh đó, trong khi chờ phương án di dời dân, vào những ngày mưa to, chính quyền các xã, huyện cắt cử cán bộ trực 24/24 để cảnh báo và cho di dời ngay người dân nếu xảy ra hiện tượng bất thường. Rất may, từ đầu mùa mưa đến nay chưa có trường hợp nào tử vong, mất tích hay gặp nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên đây mới chỉ là phương án trước mắt. Điều cần kíp nhất cho hàng chục hộ dân trên là việc huyện cần lập hồ sơ, tìm kiếm mặt bằng ổn định để di chuyển họ tới nơi ở mới an toàn.

Theo thống kê của huyện Than Uyên, hiện trên địa bàn huyện có hơn 80 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lún sụt đất cần di dời khẩn cấp, trong đó riêng xã Mường Kim có đến hơn 40 hộ nằm trong vùng nguy hiểm, mà chủ yếu số hộ này nằm ở bản Nà Phạ.


Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên cho biết: Đối với những hộ nhỏ lẻ mà phải di chuyển thì hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu là thấp, bởi vì đa số đây là những hộ khó khăn, hộ nghèo, nên đã phải ở những nơi có nguy cơ sạt lở. Huyện phải bổ sung nguồn đối ứng rất lớn. Cho nên công tác tuyên truyền vận động, sắp xếp lại dân cư rất khó. Huyện mong là trong chính sách hỗ trợ cho di chuyển nhỏ lẻ này, Chính phủ sẽ tăng mức hỗ trợ lên để các hộ đủ điều kiện ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.


Ngoài khó khăn về vốn hỗ trợ, chúng tôi còn được biết chính quyền địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm mặt bằng cho người dân đi chuyển đến nơi an toàn để làm nhà .


Từ đầu mùa mưa đến nay, tại các huyện Tân Uyên, Mường Tè, Phong Thổ cũng còn hơn 50 hộ cần di dời đến nơi ở an toàn do ảnh hưởng sạt lở. Trước mắt, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã khắc phục và xử lý tạm thời những vấn đề cấp thiết đề ra. Tuy nhiên, trong điều kiện tỉnh miền núi, biên giới, nguồn thu ngân sách trên địa bàn còn hạn chế, khả năng cân đối nguồn ngân sách để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống lâu dài cho đồng bào là rất khó khăn. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, Ngành Trung ương xem xét hỗ trợ cho tỉnh 30 tỷ đồng để tổ chức khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất, ổn định đời sống và sản xuất lâu dài cho người dân.



Bài và ảnh: Nguyễn Công Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN