Nỗ lực xóa 'nhà ổ chuột' ven kênh rạch

Từ năm 2006 TP Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu di dời hơn 15.000 hộ dân sống ven kênh rạch. Riêng trong năm 2015, thành phố đặt mục tiêu di dời hơn 4.400 hộ dân sống ven kênh rạch, xóa hoàn toàn “nhà ổ chuột”. Đây là một phần trong những nỗ lực nhằm xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và tạo cuộc sống ổn định cho người dân nghèo của thành phố…

Kênh Nhiêu Lộc giờ là nơi để người dân thành phố hóng mát, thư giãn mỗi chiều.


Bộ mặt đô thị thay đổi

Nếu vài năm trước, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là nỗi ám ảnh của người dân thành phố, cũng như du khách, bởi mùi hôi, bởi ngập ngụa rác, nước tù đọng, muỗi mòng, bởi cuộc sống nhếch nhác, tạm bợ... thì hiện nay, đây có thể xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố. Có được một ngôi nhà dọc hai bên tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa (tuyến đường chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) là niềm mơ ước của nhiều người. Dọc tuyến kênh này hiện nay không khí trong lành, dòng kênh đen xưa kia giờ là dòng kênh xanh, nơi người dân thành phố tập thể dục, hóng mát, thư giãn mỗi ngày…

Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ là một trong số những dự án thuộc chương trình xóa “nhà ổ chuột”, chỉnh trang đô thị của thành phố, đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo một bộ mặt đô thị mới. Cùng với Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé trước đây cũng là điểm nhức nhối về “nhà ổ chuột” ven kênh rạch. Từ khi dự án đầu tư xây dựng Đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt) được thực hiện, những căn nhà lụp xụp ven kênh đã được di dời. Dọc hai bên tuyến kênh này, nhiều ngôi nhà cao tầng đang mọc lên, hình thành một khu đô thị hiện đại, khác hẳn với cảnh tượng những “xóm nước đen” nhếch nhác, lụp xụp trước đó. Những dự án khác như dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng đang trong quá trình hoàn tất. Đây là một trong những dự án góp phần rất quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện tình trạng ngập úng thường xuyên tại khu vực địa bàn các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú, mang lại một cuộc sống tốt hơn cho người dân ở đây…

Ông Nguyễn Văn Thanh -người dân ở quận Bình Thạnh:

Tôi đã sống ở đây mấy chục năm, trước đây dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rất bẩn, nước đen sì, rác sinh hoạt đầy kênh, hai bên bờ kênh nhếch nhác, đầy rác thải và thường xuyên bị người dân lấn chiếm làm chỗ bán quán. Từ khi thành phố dọn dẹp lại lòng kênh, giải tỏa nhà ổ chuột, xây bờ kè bê tông, lắp các thiết bị tập thể dục... bờ kênh đã trở thành địa điểm vui chơi, hóng mát cho bà con trong khu vực.

Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch TP Hồ Chí Minh:

Việc chỉnh trang, cải tạo môi trường lòng kênh đã góp phần cải thiện mỹ quan của thành phố. Các hoạt động văn nghệ, thể thao như đua thuyền truyền thống, ca múa nhạc, lễ hội được tổ chức ngay trên các dòng kênh đã xanh trở lại như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé... Đây là nền tảng thu hút khách du lịch, để TP Hồ Chí Minh không chỉ là thành phố công nghiệp mà còn một đô thị du lịch thân thiện.

Ngay các dự án nhỏ hơn như khu vực cù lao Nguyễn Kiệu, công viên hồ Khánh Hội (quận 4), nhà ven Kênh Tẻ (quận 7), hệ thống thoát nước rạch Cầu Cụt (Phú Nhuận), cải tạo kênh Hàng Bàng (quận 6), dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên… cũng đã tạo được cảnh quan thông thoáng và xanh sạch cho các lòng kênh. Những căn nhà tạm bợ, nhếch nhác không còn nữa, đời sống người dân hoàn toàn đổi khác.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2014, thành phố đã thực hiện di dời hơn 10.350 hộ dân thuộc 26 dự án trên địa bàn các quận: 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Bình Chánh (đạt gần 70%). Mục tiêu trong năm 2015, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giải tỏa, tái định cư cho khoảng 4.400 hộ dân sinh sống ven kênh rạch trong khu vực phải giải tỏa, di dời.

Khó khăn khi xã hội hóa

Từ năm 2008, thành phố có chủ trương xã hội hóa toàn bộ chương trình xóa nhà tạm bợ ven kênh rạch. Đây là một chủ trương đúng, mang lại nhiều hiệu quả cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa cũng gặp khá nhiều khó khăn. Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, với mục tiêu di dời hơn 4.400 hộ còn lại trong năm 2015, hiện cũng là một bài toán khó. Vì, trong khoảng 8 năm (từ năm 2006 - 2014) thành phố chỉ di dời khoảng hơn 10.400 dân. Trong đó, riêng từ năm 2010 đến 2014 chỉ di dời được khoảng 3.000 hộ, nghĩa là mỗi năm chỉ di dời được khoảng 800 hộ dân.

Thực tế cho thấy, chủ trương xã hội hóa của thành phố là một chủ trương đúng, tuy nhiên chính sách cụ thể để khuyến khích các chủ đầu tư tham gia thực hiện dự án vẫn chậm được ban hành và không thu hút được các chủ đầu tư. Một cán bộ phòng quản lý đô thị cấp quận cho rằng, chính sách của thành phố hiện vẫn chưa hấp dẫn các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư nhận thấy không có hiệu quả về kinh tế vì chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, trong khi TP Hồ Chí Minh lại chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, nên ngại ngần tham gia các dự án dạng này. Mặt khác, hầu hết việc giải tỏa nhà trên kênh rạch chủ yếu nhằm xây bờ kè chống xói lở, đồng thời tạo lập hành lang bờ kênh rạch để xây dựng các tuyến đường giao thông hoặc công viên cây xanh chứ không tạo được quỹ đất kinh doanh nên khó thu hút được nhà đầu tư. Để hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, đôi khi các quận phải “ăn theo” một số dự án hạ tầng khác. Đơn cử như, với dự án cải tạo kênh Ba Bò, quận Thủ Đức di dời, giải tỏa được gần 60 hộ, hoặc dự án chống sạt lở trên bờ kênh Thanh Đa cũng giải tỏa, di dời được 161 hộ…

Với quyết tâm hoàn thành việc di dời 4.400 hộ gia đình ven kênh rạch, trong năm 2015, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu Sở Xây dựng và các quận, huyện rà soát lại quỹ nhà tái định cư. Tùy theo tình hình thực tế tại mỗi dự án có thể linh động bán bớt một số căn hộ, nền đất tái định cư nhằm tạo vốn cho công tác di dời, bồi thường, quyết tâm xóa dứt điểm nhà ổ chuột ven kênh rạch trên địa bàn thành phố.



Bài và ảnh: Lê Hiền

Di dời người dân phố cổ
Di dời người dân phố cổ

Khu phố cổ Hà Nội là trung tâm thương mại và đầu mối giao thương, đồng thời cũng là di tích nổi tiếng của Hà Nội. Tuy nhiên, với áp lực tăng dân số, khu phố cổ đang dần “biến dạng” do tình trạng nhiều nhà cơi nới, lợp tôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN