Đây là sự kiện do báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị chức năng tổ chức.
Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây cũng là bước đi dài để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030... Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho biết, những cam kết và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn và cam kết hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết sau hội nghị. Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” và tham gia Tuyên bố chuyển đổi năng lượng, cam kết giảm phát thải mê-tan đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.
Để thực hiện các cam kết tại COP 26, Bộ Tài nguyên và môi trường đã và đang đề xuất với Chính phủ sớm ban hành một loạt các văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở triển khai như: Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn; Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia để triển khai thực hiện; Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam… Đây là những văn bản pháp lý, công cụ để thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; thành lập Ban chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo; Hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức thường niên. Diễn đàn lần thứ VI nhằm tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26); đồng thời, để tổ chức thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như các chính sách, pháp luật tài nguyên, môi trường và hướng đến kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002 - 2022).
Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận nằm ở cực Nam vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Bình Thuận là 794.245 ha; bờ biển dài 192 km... với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Trong đó, 25.757 ha diện tích đất bị suy thoái dưới tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các vùng phía bắc tỉnh Bình Thuận như các huyện Tuy Phong, Bắc Bình đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, canh tác nông nghiệp của người dân trong khu vực. Tác động nặng nề của biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến du lịch, thương mại, năng lượng… và nhiều hoạt động kinh tế khác trực tiếp hay gián tiếp. “Những ảnh hưởng này trong những năm vừa qua đã biểu hiện khá rõ nét, mỗi ngành, lĩnh vực đều có thể cảm nhận và đánh giá được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, công tác tuyên truyền thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển sự chưa quan tâm đến sự quan tâm; từ chưa hiểu biết sang hiểu biết; từ nhận thức chưa đầy đủ, không đúng đến nhận thức đầy đủ, đúng cho mọi tầng lớp nhân dân về biến đổi khí hậu. Nhận thức, hành vi, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, người dân về biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến tích cực. Tính chủ động, năng lực ứng phó, thích ứng của chính quyền, doanh nghiệp, người dân được nâng lên.
Để công tác chống biến đổi khí hậu đạt kết quả; chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước được hiện thực trong cuộc sống; để mỗi người dân, doanh nhân, cán bộ, đảng viên có nhiều hành động chuẩn mực hơn nữa cùng cộng đồng chống biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung cần chuyển tải toàn diện, mạnh mẽ, tích cực hơn, cảnh báo nguy cơ cần mạnh mẽ, thường xuyên hơn nữa, làm cho cộng đồng xã hội thấy rõ hơn mối quan hệ giữa hiện tượng - nguyên nhân - tác hại, bản chất của biến đổi khí hậu và tính cấp bách cần phải hành động ngay.
Đồng thời, chuyển tải mạnh mẽ ý nghĩa, tầm quan trọng, mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu với nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Phân tích sự nhất quán, khả năng dự báo, sự phù hợp với quy luật khách quan, xu thế phát triển của thời đại và điều kiện cụ thể của Việt Nam thể hiện trong các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Cam kết, Chương trình hành động, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, làm rõ nỗ lực của Chính phủ trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, thành cơ chế vận hành và bộ máy thực hiện. Đặc biệt, phải thể hiện được quyết tâm, tinh thần quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26.
Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” do Báo Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức đã trở thành sự kiện thường niên hằng năm và là địa chỉ để các bên cùng chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực nóng của ngành tài nguyên môi trường.
“Tôi xin trân trọng cảm ơn và ghi nhận tất cả các báo cáo tham luận, các ý kiến đóng góp, gợi mở, chia sẻ, cũng như các đề xuất kiến nghị của các cơ quan, đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí tham dự Diễn đàn hôm nay. Tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý, chúng tôi sẽ xem xét tiếp thu, nghiên cứu để phục vụ mục đích sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, với mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.
Đề xuất thành lập CLB báo chí phát triển xanh
Tại Diễn đàn, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh đề nghị sẽ thành lập Câu lạc bộ báo chí phát triển xanh để tập hợp được nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên, nhà báo cùng chung tay hành động tham gia vào cam kết của Chính phủ tại COP26 nói riêng và trong tương lai vì một mục tiêu phát triển xanh, bền vững hướng tới giảm phát thải net zezo vào năm 2050.
Bên cạnh đó, thông qua CLB báo chí phát triển xanh ông Lê Xuân Trung kỳ vọng CLB sẽ có tiếng nói quan trọng tham gia vào phản biện chính sách, xây dựng chính sách; các thành viên của CLB có thể đóng góp những nội dung cụ thể cho các chính sách quan trọng của đất nước như chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2030…