Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, thời gian qua ngành BHXH đã định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ yêu cầu trong vòng 15 ngày phải trả nợ, tăng cường công tác thanh tra và cung cấp số liệu, danh sách đơn vị nợ cho ngành công đoàn, phục vụ công tác khởi kiện nợ BHXH.
“Những doanh nghiệp có số nợ trên 10 tỉ đồng đều bị đề nghị thanh tra. Nếu doanh nghiệp cố tình chây ì, cơ quan bảo hiểm sẽ đề nghị cơ quan chức năng thực hiện thủ tục khởi kiện. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra… việc đóng bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp khi nhận được quyết định thanh tra đã trả nợ ngay.”, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết.
Cũng theo ông Mai Đức Thắng, đến hết năm 2017 cả nước đã ghi nhận hơn 100 doanh nghiệp FDI bỏ trốn hoặc trong tình trạng “mất tích”. Một trong những hậu quả của việc này là khoản nợ BHXH, BHYT và lương lên tới hàng trăm tỉ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Do vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI bỏ trốn này không lớn, nên khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, việc thanh lý tài sản chưa trả đủ khoản vay các ngân hàng, còn khoản nợ bảo hiểm không giải quyết được. Trước thực trạng này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng bảo hiểm xã hội được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác