Những “vườn xanh” giữa trùng khơi

Vượt lên những cơn gió bão của biển cả, bất chấp hơi mặn mòi có thể thiêu đốt mầm cây, những khay rau trên hệ thống nhà giàn DK1 vẫn kiêu hãnh vươn mình đón nắng, khẳng định sức sống mãnh liệt, trường tồn cũng như sự kiên trì bền bỉ của những người lính hải quân nơi đây.

 


Nghìn giọt mồ hôi đổi một mầm cây


DK1, cụm Dịch vụ - Khoa học - Kinh tế trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cái tên đã trở nên quá đỗi gần gũi và thân thương với mỗi người dân Việt Nam. Vượt qua trăm ngàn cơn sóng dữ, nhà giàn vẫn đứng sừng sững hiên ngang giữa biển khơi, là những cột mốc, đánh dấu chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.

 

Những thùng rau được các chiến sĩ “bảo vệ” kỹ càng trước sóng gió biển khơi.


Thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió mạnh nên nước ngọt vô cùng quý giá trên nhà giàn nhỏ bé này. Thật khó có loài cây nào có thể thích nghi và sinh trưởng trong điều kiện như vậy. Nhưng khi đặt chân lên nhà giàn DK1/18, tôi đã thật sự ngạc nhiên, ngay cạnh bếp nấu ăn, một “vườn” mùng tơi, khoai lang trồng trong hộp xốp mập mạp, xanh mướt vững vàng trước sóng.


Thiếu tá Trần Đăng Hùng, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/18 tâm sự: “Trồng rau trên nhà giàn khác hẳn đất liền, khó khăn lắm mới trồng được một cây rau xanh. Tất cả bồn đựng, đất, giống, rau... đều chuyển từ đất liền ra không hề dễ dàng. Để đưa đất lên nhà giàn, phải buộc dây, kéo ròng rọc mới lên được. Nhưng nhiều khi do sóng biển nên dây kéo không thể giữ ổn định được, nhiều tải đất bị nhúng xuống biển ướt hết, mà đất trồng cây chỉ bị nhúng xuống biển là coi như vứt đi. Do đó, thường 10 bao đất chuyển từ tàu lên thì nhà giàn chỉ nhận được khoảng 2 - 3 bao để trồng rau”.

 

Các chiến sĩ thu hoạch rau mầm trên nhà giàn.


Khâu vận chuyển đã khó, để trồng được rau càng khó hơn, đó là cả một quá trình kiên trì chăm sóc của các chiến sĩ nơi đây. Ban đầu, các chiến sĩ chưa có kinh nghiệm nên không che chắn gì, rau chưa kịp lớn đã bị héo dần rồi chết. Sau này, khi biết được gió biển mặn, thời tiết khắc nghiệt chính là nguyên nhân khiến rau không thích nghi được, anh em tận dụng mọi thứ có được để che phủ, bảo vệ từng cây rau.


Sau một thời gian thử nghiệm, các chiến sĩ chọn lựa được những giống rau có thể thích ứng được với khí hậu khắc nghiệt giữa biển để trồng ở nhà giàn như mồng tơi, cải đắng, rau húng, ớt...


Dẫn chúng tôi lên nóc nhà giàn, nơi được coi là “thiên đường xanh”, là “vườn” trồng rau của các chiến sĩ. Đếm sơ sơ trên nóc nhà giàn này cũng có khoảng hơn 50 bồn rau tươi đủ loại. Tất cả những loại rau như rau muống, rau mùng tơi, rau khoai, hành, ớt... đều đủ cả. Bao quanh bốn bề là những tấm gỗ, cánh cửa hỏng, mảnh bạt... được căng ngay ngắn, cẩn thận che chắn cho từng thùng rau. Vừa nhổ cỏ, xới đất trong bồn rau, thiếu tá Trần Đăng Hùng nói: “Vườn rau này là tâm huyết của tất cả anh em, đêm hôm có giông gió bão bùng là tất cả thức dậy, không ai bảo ai đều chạy lên đây buộc, che chắn cho rau. Cũng không ít lần “mất trắng”, chỉ cần một trận bão, trận gió to cũng có thể khiến đám rau chết sạch, bao công chăm bón thành công cốc. Nhưng anh em lại nhanh chóng, vui vẻ làm lại từ đầu. Có công mài sắt, có ngày nên kim”.


Sự sống bất diệt


Bất cứ ai đã từng đến nhà giàn sẽ hiểu được, nước ngọt ở đây đáng quý như thế nào. Những mùa khô, nắng, mỗi ngày mỗi người chỉ được 5 lít nước để dùng. “Tận dụng từ nước đánh răng, khi tắm sẽ tắm trong chậu để tiết kiệm nước, tắm xong, lại dùng để giặt nhưng thường hạn chế dùng xà bông để tận dụng tưới rau”, đồng chí Phạm Xuân Trường, cán bộ tại nhà giàn cho biết.


Nhà giàn đóng giữa biển khơi, nên việc tiếp tế lương thực thường tính theo tuần, tháng nên rau xanh được coi là “hàng hiếm”. Mỗi nhà giàn có vài chục bồn rau, nhìn tưởng là nhiều nhưng đều phải tiết kiệm ăn dần, chủ yếu thái nhỏ nấu canh, chỉ khi có “khách” từ đất liền ra mới dám luộc một vài đĩa đãi khách để liên hoan. Những mùa biển động không câu được cá, từng gốc rau, cọng lá được tận dụng triệt để, nấu lẫn đồ hộp cho đỡ xót ruột.


Những cây rau trên nhà giàn không những để cải thiện cho bữa ăn của các cán bộ, chiến sĩ mà còn tạo cảnh quan môi trường, làm cho nhà giàn thêm xanh. Hơn hết, những thùng rau xanh ấy, mang đến cảm giác gần gũi, thân thương đến kỳ lạ, làm dịu đi nỗi nhớ quê.


Trong “vườn rau” của các chiến sĩ nhà giàn DK1/18 có cây chanh và cây ớt đều đã ra quả, trái đã chín nhưng vẫn còn nguyên. Thiếu tá Trần Đăng Hùng kể: “Cây chanh với cây ớt này phải chăm hàng năm, là cả quá trình khó khăn mới cho ra quả. Khi cây ra hoa, ngày nào anh em cũng lên chăm, lên ngắm, đến khi ra quả thì không ai nỡ hái, chỉ để ngắm”.


Đêm đến, chúng tôi ngồi giữa các chiến sĩ, tay nắm chặt tay để cảm nhận hơi ấm tình đồng chí. Tiếng đàn vang lên, mọi người cùng hòa nhịp bài hát của những người lính nhà giàn:


“Sóng gió mặc sóng gió


Lính nhà giàn bọn tôi ở đó


Chông chênh mặc chênh chông


Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông...”


Tiếng hát ngân vang, nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi mỗi người lính. Có thể cuộc sống của các chiến sĩ nhà giàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần lạc quan, tình yêu biển đảo, quê hương đất nước, các anh đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường trước sóng gió, bảo vệ chủ quyền đất nước.


Bài và ảnh: Thu Trang

Học sinh thi thiết kế mô hình về Hoàng Sa - Trường Sa
Học sinh thi thiết kế mô hình về Hoàng Sa - Trường Sa

Ngày 31/5, Cuộc thi thiết kế mô hình với chủ đề "Hoàng Sa- Trường Sa trong trái tim chúng em" đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh từ 26 Liên đội thuộc các trường Trung học cơ sở và Tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN