Những thanh niên 'Ba sẵn sàng' Hà Nội ngày ấy

Theo lời kêu gọi của Thành đoàn Hà Nội, tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” năm 1965, chúng tôi là lớp thế hệ thanh niên đầu tiên của Hà Nội gác sách bút, gác lại tất cả mọi thứ tình cảm gia đình, tình cảm riêng tư để lên đường đi đánh Mỹ. Những tháng hành quân gian khổ, những phút chiến đấu sinh – tử đã thực sự đã rèn luyện những chàng trai trí thức Hà Nội “chân yếu tay mềm” thành những con người thép”, ông Lê Văn Lương, một trong những thanh niên đầu tiên lên đường theo tiếng gọi của phong trào “Ba sẵn sàng”, chia sẻ.

Thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của phong trào “Ba sẵn sàng”. Ảnh tư liệu


Khí thế ra trận


Tháng 8/1964, sau sự kiện đế quốc Mỹ gây hấn vịnh Bắc Bộ, chuẩn bị mở đợt chiến tranh không quân bắn phá miền Bắc, tuổi trẻ Hà Nội sau những ngày tháng hạnh phúc sống trong tự do, lại sục sôi ý chí chiến đấu. Chống Mỹ cứu nước đã trở thành nguyện vọng thiết tha, khát vọng cháy bỏng của thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ. Bối cảnh lịch sử lúc đó đòi hỏi phải có một phong trào mới để thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong thanh niên. Nhận thức được vấn đề này, tối ngày 7/8/1964, tại trụ sở Thành đoàn Hà Nội số 42 Lý Thái Tổ, ban thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp bất thường và phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với 3 nội dung: “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”.


Ông Vũ Hữu Loan, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội thời kỳ “Ba sẵn sàng” chia sẻ: “Bất cứ thanh niên Hà Nội nào ngày ấy cũng chỉ khao khát được tham gia “Ba sẵn sàng”. Chỉ sau khi phát động một tuần đã có 240.000 người ghi tên tham gia, trong đó 80.000 người xin được vào Nam chiến đấu. Hàng nghìn sinh viên, học sinh đã viết tâm thư bằng máu xin được ra trận. Nhiều người đang du học ở Liên Xô (cũ) cũng tức tốc gửi đơn xin về nước chiến đấu. Thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ tinh thần yêu nước sục sôi, chấp nhận tạm ngừng việc học, mong được ra trận cầm súng chiến đấu, họ ra đi không chút tính toán, không một yêu cầu nào, chỉ với mong muốn được tổ chức và quân đội phân công. Họ xin thề không bao giờ có ý nghĩ quay trở lại dù có phải hi sinh”.


Thế mới có những chuyện thanh niên Hà Nội thời ấy ngày ngày hăng say luyện tập thể dục thể thao, tập đeo gạch, chạy bộ, mong có đủ sức khỏe để đăng ký đi nhập ngũ.




Ảnh tư liệu.


Vượt gian khổ trong chiến trường


Lên đường ra trận, trải qua những tháng hành quân và chiến trường ác liệt, những thanh niên trí thức “chân yếu tay mềm” đang say sưa lý tưởng của “Thép đã tôi thế đấy”, của 5 thanh niên thành Sevastopol... mới thực sự thấm được những vất vả, gian khổ của chiến tranh. Cũng có lúc mềm lòng, yếu đuối, nhưng lý tưởng cách mạng vốn đã được hun đúc trong những trái tim yêu nước cháy bỏng, đã giúp họ vượt qua được những gian khổ đó, để hoàn thành nghĩa vụ của người thanh niên “Ba sẵn sàng”.


Ông Lê Văn Lương, một trong số những thanh niên Hà Nội ra trận ngày đó, kể: Trước khi lên đường chiến đấu theo phong trào “Ba sẵn sàng”, ông đang công tác ở Ban Thiếu nhi của Thành đoàn Hà Nội. Lúc ấy ông mới 20 tuổi, chỉ có 39 kg nên không đủ tiêu chuẩn để đăng ký đi chiến trường, thế nhưng vì quá tha thiết xin được đi chiến đấu nên cuối cùng cũng được chiếu cố cho đi. Khi ông nói sẽ đi vào Nam chiến đấu, mẹ ông khóc ngày khóc đêm. Bà đau lòng vì chồng vừa mất, giờ con trai lớn nhất lại ra chiến trường, không biết sống chết ra sao.


“Tháng 4/1965, tôi trốn mẹ ra Nhà hát Lớn để làm thủ tục nhập ngũ, sau đó chúng tôi được huấn luyện 3 tháng ở Hòa Bình. Tôi được phân về trung đội thông tin trực thuộc tiểu đoàn bộ, tiểu đoàn 602. Tháng 7/1965, cùng với hơn 600 thanh niên của Thành đoàn, là lớp thanh niên đầu tiên ra trận theo phong trào “Ba sẵn sàng”, chúng tôi lên đường vào Nam chiến đấu.


Hơn 3 tháng trời hành quân vào quân khu 6, chúng tôi phải đi bộ, đi rừng, trèo đèo, vượt núi, “xẻ dọc Trường Sơn”... không thể nào kể hết được những gì đã trải qua. Tôi vì quá gầy lại yếu nên trên đường hành quân luôn bị tụt lại phía sau, có khi cách xa tiểu đoàn tới 2 giờ đi bộ nhưng không bao giờ có ý định bỏ đơn vị. Nhiều khi đã kiệt sức nhưng vẫn quyết tâm đi, đợi đến khi đơn vị dừng lại nghỉ là mình lại đuổi kịp mọi người. Khi vượt đèo thì chân người này là đầu người kia, có khi vượt qua những hẻm núi bằng cầu treo, chỉ cần sảy chân là rơi xuống suối chết. Vào đến chiến trường Đông Nam Bộ, có một lần tôi bị sốt rét ác tính và đã nghĩ là mình sẽ chết. Tôi nhớ lúc đó đang ngồi viết nhật ký thì tự nhiên bị co giật, sùi bọt mép và lăn ra bất tỉnh, mọi người kể lại rằng tôi bất tỉnh như thế 4 ngày liền, tưởng tôi đã chết nên mọi người đưa vào nhà xác của bệnh xá. May mắn có một cô y tá tên Thủy đi qua thấy tôi vẫn còn hơi thở nhẹ nên đã tìm mọi cách và cứu sống được tôi, và thật đau xót là cô ấy lại hy sinh sau đó vì trúng bom”.


Với những thanh niên Hà Nội vào chiến trường thời bấy giờ, đau đớn nhất vẫn là những lúc chôn cất đồng đội hi sinh. Vì từ chỗ đang quen với cuộc sống thị thành, chỉ sau 3 tháng tất cả đã bước vào cuộc chiến ác liệt, phải đối mặt với chết chóc, đối mặt với đói, khát.


Ông Đặng Quang Ngọc, một trong những thanh niên “Ba sẵn sàng” đầu tiên, đã khóc khi kể lại rằng: “Sau này khi tìm hài cốt đồng đội, người ta thắc mắc sao chúng tôi lại chôn nông như thế. Quả thực, ai đi qua những tháng ngày ấy mới hiểu được, lúc ấy nhìn thấy đồng đội hi sinh đã đau đớn lắm rồi, đói khát cũng không còn đủ sức để đào hố chôn sâu hơn nữa. Lúc đó chỉ nghĩ rằng phải tìm một chỗ yên nghỉ cho đồng đội và cố gắng để lại được những dấu hiệu đủ để sau này nếu ai còn có cơ hội được sống thì biết mà quay lại tìm họ”.


“Chiến tranh ác liệt là vậy nhưng sức trẻ thì chẳng hề ngại ngần, thanh niên chúng tôi vẫn yêu đời lắm, lúc nào cũng khát khao một cây đàn ghi ta. Có lần có đoàn văn công về đơn vị biểu diễn, việc đầu tiên nghĩ tới là tranh thủ mượn ngay cây ghi ta. Tôi ngồi chơi đàn cho đồng đội hát, quên cả đói, quên cả khát, quên cả đạn bom đang bao vây quanh mình”, ông Lê Văn Lương hồi tưởng.


Câu chuyện là thế, câu chuyện của những thanh niên “Ba sẵn sàng” năm xưa, nó khiến mỗi chúng ta hôm nay, chợt tự muốn nhìn nhận lại mình, xem chúng ta liệu có hun đúc được không – một tinh thần thanh niên, một sức trẻ luôn sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc.



Tạ Nguyên



Từ mùa Thu Usti nhớ mùa Thu Hà Nội
Từ mùa Thu Usti nhớ mùa Thu Hà Nội

Hơn một năm trở lại đây, cộng đồng người Việt ở CH Séc nhắc nhiều đến Usti bé nhỏ là bởi ở đó có một câu lạc bộ văn nghệ non trẻ hoạt động rất tích cực. Ngày sinh của CLB này rất dễ nhớ - 10/10/2012, ngày Giải phóng Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN