“Khát” nhân lực ngành bán dẫn
Việt Nam đang có cơ hội và rất muốn tham gia sâu vào hệ sinh thái sản xuất bán dẫn. Tuy nhiên, giấc mơ này đang bị cản trở bởi vấn đề thiếu hụt trầm trọng nhân lực bán dẫn tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc tại lĩnh vực bán dẫn. Trong khi đó, ngành này đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và chất lượng rất cao. Do vậy, ông Hùng cho rằng, thách thức lớn nhất Việt Nam đang gặp phải khi phát triển công nghiệp bán dẫn là nguồn nhân lực.
Giải thích về lý do dẫn đến “cơn khát” nhân sự bán dẫn, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên bởi ở các nước phát triển, ngành đào tạo này không được nhiều người quan tâm.
Theo ông Quang, các bạn trẻ tại các nước phát triển muốn học những ngành nghề như tài chính, kinh tế bởi ngành kỹ thuật vốn khô khan, thu nhập lại chưa chắc đã cao hơn các ngành khác. Do đó, số lượng nhân lực bán dẫn ngày một giảm dần, trong khi nhu cầu lại đang tăng lên.
“Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, các nước châu Âu đều gặp tình trạng này. Mỗi nước có một lý do khác nhau nhưng về cơ bản đều thiếu hụt nguồn nhân lực bán dẫn có chất lượng”, Giám đốc FPT Semiconductor chia sẻ.
Theo dự báo của một số chuyên gia, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Trong đó, tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, BigData…
Trong giai đoạn 2019 - 2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%).
Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cũng cho rằng, hiện nhu cầu nhân lực về lĩnh vực chíp bán dẫn do yêu cầu từ phía doanh nghiệp rất lớn, song hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 20%.
Liên kết đào tạo với nước ngoài
Theo TS. Trịnh Thu Nga, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ cũng như nhiều trường đại học trên phạm vi cả nước đã bắt đầu thí điểm mã tuyển sinh riêng cho ngành thiết kế vi mạch.
Tuy nhiên, ngoài đào tạo kỹ sư, cử nhân để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài, TS. Trịnh Thu Nga cho rằng, trước mắt cũng cần đào tạo ngắn hạn cho sinh viên về một số ngành liên quan đến công nghệ thông tin. Thời gian đào tạo có thể từ 6 tháng đến 1 năm nhằm kịp thời cung ứng nhân lực cho ngành này.
“Các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tích cực tăng cường đào tạo nhân lực số cũng như nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, việc này đã được đưa vào chiến lược, kế hoạch đào tạo của đơn vị trong thời gian tới”, TS. Trịnh Thu Nga thông tin.
Trong khi đó, Tập đoàn FPT hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn. Việc hợp tác thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, và Việt Nam.
Các bên tham gia hợp tác sẽ cùng đóng góp nguồn lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến 2045 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, các bên thống nhất tài trợ 300 suất học bổng theo chương trình đào tạo chuẩn quốc tế nâng cao kỹ năng (up skill training) cho sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực bán dẫn tại 20 trường Đại học hàng đầu của Việt Nam; hỗ trợ sản xuất (tapeout) cho 13 dự án thiết kế vi mạch xuất sắc trong năm 2024. Bên cạnh đó, Trung tâm Đào tạo bán dẫn đã nhận được sự đồng hành của các công ty phần mềm thiết kế IC hàng đầu thế giới như Cadence, Synopsys, Siemens, Silvaco.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết: “Theo dự đoán của các chuyên gia về nhân lực toàn cầu, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự, Việt Nam có cơ hội nắm bắt nhu cầu toàn cầu này để vươn lên trong bảng xếp hạng cả về chất lượng giáo dục lẫn cung ứng nhân sự chất lượng cao cho ngành. Việc thành lập Trung tâm Đào tạo Bán dẫn Việt Nam dưới sự hợp tác của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, FPT và TreSemi sẽ là bệ phóng cho nước ta tiến tới hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn tới năm 2030; đồng thời mở ra cơ hội cho các thiết kế vi mạch tiềm năng được ứng dụng trong thực tiễn”.
Sự tham gia của doanh nghiệp đang hỗ trợ tích cực trong đào tạo. Theo đó, FPT cam kết sẽ tài trợ chi phí cho các dự án vi mạch tiềm năng cũng như tài trợ cơ sở vật chất, máy chủ, cơ sở hạ tầng, khung chương trình đào tạo trực tuyến và các cố vấn, chuyên gia trợ giảng cho các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực bán dẫn mà Trung tâm tập trung thúc đẩy.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa, để phát triển ngành công nghiệp bán, vấn đề quan trọng nhất là nguồn nhân lực bởi đây là lực lượng tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phòng thí nghiệm về công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, các phòng lab, trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo cũng sẽ được khuyến khích thành lập tại các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu bán dẫn. Đây là những nơi góp phần bồi dưỡng các nhân tài cho ngành bán dẫn.
Theo ông Hùng, một trong những lời giải cho “cơn khát” nhân lực bán dẫn trình độ cao của Việt Nam là nguồn lực nước ngoài. “Việt Nam sẽ thu hút chất xám và công nghệ từ nước ngoài, nhất là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn”, ông Nguyễn Phú Hùng cho biết.
Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai các chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương với các nước có thế mạnh về KH&CN trong lĩnh vực bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể làm chủ, nắm bắt nhanh các công nghệ lõi trong lĩnh vực này.
Giám đốc FPT Semiconductor, Nguyễn Vinh Quang cho rằng, Việt Nam không thua kém các nước khi xét tới mặt bằng chung trình độ nhân lực trong các nhóm ngành kỹ thuật. Ngay cả đối với lĩnh vực khó là bán dẫn, nhiều người Việt đã thành danh trong ngành bán dẫn toàn cầu.
“Tại Mỹ có kỹ sư Lê Duy Loan (Texas Instruments), TS Nguyễn Thị Bích Yến (Soitec), GS Lê Hạnh Phúc,... Tại Nhật cũng có nhiều người Việt khá nổi tiếng trong lĩnh vực này”, ông Quang nêu dẫn chứng.
Trên thực tế, trường Đại học FPT cùng FPT Semiconductor vừa công bố việc thành lập khoa Vi mạch bán dẫn nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực.
Do được đào tạo với giáo trình nước ngoài, những kỹ sư bán dẫn không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước, mà còn có thể làm việc tại nhiều quốc gia khác. Ngay cả khi làm việc tại nước ngoài, họ sẽ là nguồn lực bổ sung cho thị trường bán dẫn Việt Nam khi trở về nước 5 - 10 năm sau đó.