Không chỉ nổi tiếng với danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, những làn điệu hát then trữ tình, Bắc Kạn còn nổi tiếng với nhiều đặc sản, trong đó có miến dong. Sản xuất miến dong tại xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn). Ảnh: baobackan.org.vn |
Những ngày gần Tết Nguyên đán, dọc các triền đồi, thửa ruộng, người dân hối hả thu hoạch dong riềng để bán cho các cơ sở sản xuất tinh bột và làm miến. Những chuyến xe của thương lái dưới xuôi lên thu mua miến cũng tấp nập ra vào. Các cơ sở sản xuất miến “căng sức” sản xuất hết công suất để có hàng kịp giao cho thương lái. Nếu ngày thường, các cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng thì những ngày này công suất được nâng lên gấp 4 đến 5 lần, máy móc chạy suốt đêm không ngơi nghỉ.
Các cơ sở sản xuất miến dong lớn ở Bắc Kạn như Nhất Thiện, Hoàng Giang, Tân Sơn, Vạn Xuân… những ngày này sản xuất từ 100 đến 200 tấn củ dong tươi và 500 – 700 tấn bột /ngày. Những cơ sở nhỏ hơn thì sản xuất từ 10 - 20 tấn củ/ngày.
Nghề làm miến dong có từ lâu đời ở Bắc Kạn và đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Hàng năm, cứ vào độ cuối tháng 2 Âm lịch, những gia đình làm miến lại lên nương để trồng dong riềng. Không mất nhiều công sức chăm bón nhưng phải đợi đến tận cuối năm, khi cây dong riềng trên nương bắt đầu lụi, thân cây khô héo thì bà con mới thu hoạch về để làm miến. Đây cũng là lúc vào vụ miến mới. Mấy năm trở lại đây, khi công nghệ bảo quản tinh bột dong tốt hơn người ta có thể sản xuất miến quanh năm.
Côn Minh là vùng làm miến dong lâu đời nhất Bắc Kạn. Cả xã có 32 cơ sở chế biến, trong đó có 8 xưởng chuyên sản xuất miến, 15 xưởng vừa sản xuất tinh bột vừa làm miến, số còn lại sản xuất tinh bột để bán về miền xuôi.
Chị Triệu Thị Ngần, chủ cơ sở sản xuất miến dong tư nhân tại xã Côn Minh, huyện Na Rì chia sẻ: Gần Tết, miến tiêu thụ rất nhanh. Năm nay giá củ dong xuống thấp, chỉ hơn 700 đồng/kg và giá tinh bột cũng giảm nhưng giá miến vẫn ổn định nên nhiều gia đình làm miến vẫn có lãi. Những ngày này, gia đình chị Ngần phải nâng công suất lên gấp 3 - 4 lần so với ngày thường để kịp giao hàng cho khách. Với giá bán từ 45 - 50 nghìn đồng/kg, nhiều gia đình thu về hàng chục triệu đồng sau mỗi vụ miến. Từ miến dong mà nhiều gia đình có của ăn của để.
Dong riềng được trồng đại trà tại nhiều xã của huyện Na Rì, tạo vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất miến dong. Ảnh: baobackan.org.vn |
Ông Trịnh Xuân Huấn, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất và chế biến miến dong Côn Minh cho biết: Đây là vùng quê được coi là nơi khởi nguồn của nghề trồng và chế biến các sản phẩm từ cây dong riềng, trong đó có miến dong. Được sự hỗ trợ về cơ chế, giống, vốn, phân bón của Nhà nước, cây dong riềng ở Côn Minh đang ngày càng phát huy hiệu quả giúp dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Mỗi vụ sản xuất, các cơ sở chế biến tinh bột dong trên địa bàn thu hút trên 200 lao động, đặc biệt vào dịp giáp Tết, làng miến dong nhộn nhịp, tấp nập hơn cả.
Miến dong Bắc Kạn là đặc sản, có giá trị kinh tế cao, có uy tín trên thị trường và được khách hàng ưa chuộng. Miến được làm từ 100% củ dong tươi nguyên chất, không dùng hóa chất tẩy trắng, nhuộm màu sản phẩm nên sợi miến nhỏ đều và trong, dai giòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong. Sợi miến sau khi nấu có thể để lâu mà không bị bở, nát và không có sạn.
Miến dong Bắc Kạn đã khẳng định được thương hiệu, được nhiều người biết đến và đặc biệt còn lọt vào top “100 sản phẩm, dịch vụ uy tín chất lượng năm 2013”. Miến dong Bắc Kạn ngày càng vươn xa, không chỉ thị trường trong nước mà vươn ra cả thị trường nước ngoài. Vừa qua, 2 tấn miến dong của cơ sở sản xuất miến dong Tân Sơn thuộc công ty cổ phần Quang Minh đã được xuất khẩu sang Liên bang Nga.
Miến dong Bắc Kạn cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể, qua đó, giúp quảng bá sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị kinh tế và thị phần trên thị trường, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho nhân dân, tạo điều kiện tốt để các cấp, các ngành và nông dân phát triển trồng và chế biến cây dong riềng trên địa bàn.
Đức Hiếu