Nhọc nhằn những phụ nữ lột dừa bên sông Thom

Khoảng 1 giờ sáng, lúc những chiếc ghe chở dừa khô cập bến, ngày làm việc của những người lao động làm nghề lột vỏ dừa, tước chỉ xơ dừa hai bên bờ sông Thom (xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc và xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam) bắt đầu.

Một người phụ nữ làm nghề lột dừa. Ảnh: baodongkhoi.com.vn


Họ phải làm sớm để kịp phiên chợ dừa trên sông khi trời vừa sáng. Và nhờ khí trời mát mẻ nên họ đỡ mệt hơn và năng suất lao động cao hơn. Đặc biệt, có rất nhiều phụ nữ làm nghề mà ai cũng nghĩ chỉ dành cho nam giới.

Năm nay 53 tuổi, bà Huỳnh Thị Mai ở xã Khánh Thạnh Tân có gần 30 năm lột dừa thuê. Trông bà khỏe mạnh và rất tươi tỉnh, dù ngày nào cũng bắt đầu làm việc từ 1, 2 giờ sáng. Bà cho biết công việc thường kết thúc vào khoảng 9 giờ, là lúc bà bắt đầu lo bữa cơm trưa cho cả gia đình và bắt đầu nghỉ ngơi. Bà bảo nếu có nhiều dừa hơn bà có thể làm thêm giờ để kiếm thêm tiền vì vẫn thấy rất khỏe.

Bà Mai chia sẻ mỗi ngày bà lột được khoảng 1 thiên dừa (1.200 trái), tiền công vào khoảng 150.000 đồng. Cả hai vợ chồng bà đều làm nghề này, thu nhập của ông cao hơn bà đôi chút. Cũng theo bà, vì gia đình không có đất sản xuất, nên đây là công việc tốt nhất mà hai vợ chồng có thể làm chung, thu nhập cũng khá hơn nhiều so với các công việc khác tại địa phương như đan giỏ, đan chổi…

Bà Mai là một trong 15 nhân công chuyên lột vỏ dừa tại cơ sở của chị Nguyễn Tiên Hằng ở ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân. Chị Hằng cho biết cơ sở của chị có 5 nhân công lột dừa là phụ nữ. Họ làm việc vui vẻ cả ngày dù phải dậy từ rất sớm. Chị Hằng chia sẻ dù các chị không làm nhanh được như các nhân công nam, nhưng nhờ sự cần mẫn, kỹ lưỡng, sản phẩm của các chị làm ra thường được khách hàng đánh giá cao hơn.

Với dáng vẻ khá nhỏ nhắn, cô Hai Bé - thợ lột dừa tại cơ sở này - cũng không hề thua kém những đồng nghiệp nữ bên cạnh. Cô chia sẻ làm nhiều nên quen và không thấy công việc này là nặng nhọc hay nguy hiểm gì hết. Cô cho biết hiện có hai đứa con đang đi học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, nên hai vợ chồng cố gắng làm để lo cho hai con, khi nào tụi nhỏ ra trường, có công ăn việc làm ổn định thì hai vợ chồng cô sẽ nghỉ ngơi.

Theo ông Lê Thanh Xuân - Phó chủ tịch xã Khánh Thạnh Tân, toàn xã có 32 cơ sở chuyên sơ chế dừa nguyên liệu. Khoảng 150 nhân công là nữ giới làm việc trong nghề này, trong đó có khoảng 70 chị chuyên lột dừa thuê. Ông Xuân cho biết thêm hầu hết các chị đều có hoàn cảnh ít nhiều khó khăn, như ít hoặc không có đất sản xuất, đang nuôi con đi học đại học, cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh hoặc bản thân họ là lao động chính duy nhất của gia đình.

Sông Thom từ lâu được mệnh danh là một thủ phủ dừa của tỉnh Bến Tre. Nhìn những người lao động, đặc biệt là chị em phụ nữ, phải làm những công việc nặng nhọc từ 1, 2 giờ sáng khiến tâm tư chúng tôi nặng trĩu. Tuy nhiên, nhớ lại tiếng cười, nói hồn nhiên, vui vẻ của họ suốt buổi làm việc cũng khiến chúng tôi vui lây. Đó thực sự là vẻ đẹp của những người nông dân cần cù lao động.


Hưng Thịnh
Biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi
Biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi

Sáng 2/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi giai đoạn 2002-2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN