Nhớ mãi những lần được gặp Bác Hồ

Đối với mỗi người dân Việt Nam, dù chỉ một lần được gặp Bác Hồ thì họ đều coi đó là niềm vinh dự, hạnh phúc và là điều may mắn nhất trong cuộc đời mình. Những lần gặp ấy đã để lại trong ký ức họ những kỷ niệm sâu sắc, tình cảm nồng ấm, mãi không quên.

Vẹn nguyên những lời căn dặn của Bác

Ông Điêu Chính Dụng, người dân tộc Thái, ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, năm nay đã 83 tuổi nhưng vẫn nhớ rõ mỗi lần may mắn được quay phim về Bác Hồ trong những năm tháng làm nghề, nhất là kỷ niệm lần đầu tiên.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967). Ảnh tư liệu: TTXVN

Ông Điêu Chính Dụng nhớ lại: Hôm đó là ngày 1/12/1968, ông và một đồng nghiệp người dân tộc Tày được Ban Biên tập Xưởng phim thời sự - tài liệu Trung ương phân công đi quay phim Đoàn dũng sĩ thiếu niên miền Nam ra Thủ đô Hà Nội thăm và báo cáo thành tích với Bác tại Phủ Chủ tịch.

Khoảng 2 giờ chiều, ông cùng đồng nghiệp được xe đưa từ Xưởng phim vào Phủ Chủ tịch. Đến nơi được một lúc thì Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra chỗ tiếp đón Đoàn dũng sĩ thiếu niên miền Nam. Thấy Bác Hồ, các đại biểu trong đoàn vui mừng reo lên “Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm”.

Sau khi đồng chí trưởng Đoàn dũng sĩ thiếu niên miền Nam báo cáo thành tích xong, Bác Hồ nói: Bác rất thương các cháu. Các cháu đang ở tuổi ăn, tuổi học, vui chơi, thế mà đã làm việc của người lớn, cùng ông, cha, cô, chú, bác và các anh, chị đánh Mỹ - Ngụy để giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Nói xong, Bác Hồ ôm hôn các cháu dũng sĩ thiếu niên miền Nam.

Lúc đó, chúng tôi đang quay những hình ảnh tình cảm của Bác Hồ với các cháu dũng sĩ thiếu niên miền Nam thì được Bác hỏi về cơ quan công tác và căn dặn cách làm phim ảnh sao cho tốt. Biết chúng tôi ở Xưởng phim tài liệu - thời sự Trung ương, Bác bảo Bác có mấy ý thế này: Trong công tác nghệ thuật, quay phim, chụp ảnh của các cháu không đơn thuần để giải trí mà còn làm công tác chính trị - tư tưởng và tuyên truyền giáo dục nữa đấy.

Phim ảnh còn để nhân dân công nhận, học tập và còn để tố cáo đế quốc Mỹ ném bom bắn phá nước ta cho thế giới biết. Các cháu quay những người có thành tích trong lao động, sản xuất, chiến đấu và giới thiệu người tốt, việc tốt… Tôi đáp lời Bác: Dạ thưa Bác, cháu nhớ ạ.   

Ông Điêu Chính Dụng cũng bộc bạch: Những lời căn dặn của Bác khiến ông vô cùng xúc động, vui sướng, hạnh phúc và là niềm động viên to lớn trong quá trình công tác của ông. Đến nay đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng những lời căn dặn đó của Bác vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ   

Năm nay đã tuổi 75 nhưng bà Hà Thị Óng, Nghệ nhân Ưu tú ở xã Huy Bắc (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) vẫn nhớ những lần được gặp Bác Hồ. Bà kể: Năm 1952, huyện Phù Yên được giải phóng, trở thành địa bàn để bộ đội chủ lực của ta luyện quân chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Ngày ấy, gia đình bà trồng rất nhiều rau cải trên nương, hàng ngày các chú bộ đội vẫn lên gánh rau về nuôi quân. Có lần, một chú bộ đội đưa cho bố bà nhiều tờ tiền có in hình ông cụ râu tóc bạc phơ và giải thích đó là Bác Hồ.

Từ đó, bà luôn ước mơ được gặp Bác Hồ. Đến năm 1959, bà may mắn trúng tuyển vào lớp diễn viên của Trường múa Việt Nam. Lúc đó, vừa tròn 13 tuổi, bà xuống Hà Nội theo học hệ 7 năm, khóa I, Trường Múa Việt Nam…    

“Trong những năm tháng học tập tại trường múa, cứ mỗi dịp lễ, Tết, tôi và một số bạn trong lớp lại được đại diện cho Đội thiếu niên tiền phong của trường vào Phủ Chủ tịch và Cung văn hóa thiếu nhi để biểu diễn. Niềm mong mỏi của tôi đã trở thành hiện thực, đó là vào ngày 1/6/1960, khi cùng tốp thiếu nhi Trường múa Việt Nam vào Phủ Chủ tịch biểu diễn. Vừa bước qua cổng, tôi đã thấy các bạn chạy ùa về phía trước, vừa chạy vừa hô to “Bác Hồ, Bác Hồ đến".

Tôi cố chạy theo, nhưng các bạn chạy nhanh và bạo dạn hơn nên đã kịp xúm xít vây quanh Bác. Bác dang rộng vòng tay như muốn ôm tất cả chúng tôi vào lòng. Bác ân cần giảng giải cho chúng tôi nghe về ý nghĩa của Ngày Quốc tế thiếu nhi. Rồi Bác cùng chúng tôi hát rất say sưa. Tiếp đó, Bác chia kẹo và căn dặn chúng tôi phải chăm ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô, cha mẹ” - bà Hà Thị Óng nhớ lại.

Lần thứ hai bà Hà Thị Óng được gặp Bác Hồ là ngày 19/5/1961, trong buổi biểu diễn nghệ thuật chúc thọ Bác tại Cung văn hóa thiếu nhi. “Khi chỉ còn ít phút nữa là đến giờ mở màn, bất ngờ Bác đến thăm, tất cả chúng tôi đang mải nhìn khán phòng phía dưới nên không hay biết.

Chỉ khi nghe tiếng hô to “Bác Hồ đến, Bác Hồ đến”, mọi người chạy ào về phía cánh gà sân khấu. Tôi cố len sát vào để được nhìn Bác thật rõ. Bác giản dị trong bộ quần áo kaki bạc màu, đứng giữa sân khấu thân mật nói chuyện với mọi người” - bà Hà Thị Óng chia sẻ.

Hai lần vinh dự được gặp Bác, bà Hà Thị Óng luôn nhớ mãi và luôn lấy đó làm động lực để cố gắng học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn trong quá trình học tại Trường Múa Việt Nam. Từ khi ra trường năm 1966 cho đến khi nghỉ hưu năm 1989, bà luôn tích cực, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là những hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương.

 

Sơn Ca (TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho các quan hệ quốc tế
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho các quan hệ quốc tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mãi đi xa, nhưng hình ảnh của Người còn sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hoà bình, chính nghĩa trên toàn thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN