Nhiều tiêu chí không phù hợp

Nhìn một cách khách quan, kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) trong những năm gần đây ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ nông nghiệp và vấn đề nước sạch, điện… được đầu tư nâng cấp, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Cần tập trung vào hạ tầng


Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng: Nếu xét trung bình cả nước, nông thôn Việt Nam hiện nay chỉ đạt trung bình khoảng 5 tiêu chí. Tỷ lệ xã NTM đạt dưới 9 tiêu chí còn rất nhiều, cho thấy kết cấu hạ tầng còn rất yếu. Nguyên nhân là do nguồn lực thiếu, nông dân gặp khó khăn cả trong trồng lúa và chăn nuôi. Khủng hoảng kinh tế khiến Chính phủ, cũng như các địa phương gặp khó khăn, đầu tư bị cắt giảm. Định mức đầu tư cho 35 xã NTM ở Kiên Giang hiện nay ở mức trên dưới 20 tỷ đồng, không thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế. Nhận thức của người dân vẫn còn trông chờ vào đầu tư của nhà nước, chưa ý thức được chủ thể của phong trào xây dựng NTM chính là người dân. Mặt khác, hệ thống tổ chức xây dựng NTM chưa hoàn chỉnh, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, hoạt động chưa bài bản.

Xây dựng trường đạt chuẩn ở An Giang.


Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng NTM cần có sự tập trung vào những tiêu chí có tính đòn bẩy như kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện sản xuất, mô hình sản xuất… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân một cách căn cơ, bềnh vững. Mỗi địa phương cần chọn thế mạnh của mình để sản xuất, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, tăng thu nhập là yếu tố tiên quyết, ưu tiên những mô hình có hiệu quả cao và có tính bền vững. Mục tiêu cuối cùng cũng là nâng cao đời sống nông thôn, kéo gần nông thôn với thành thị. Theo kinh nghiệm triển khai tại tỉnh Kiên Giang, nơi đây tập trung vào những tiêu chí đòn bẩy với những giải pháp cụ thể, đó là nhân rộng một số mô hình sản xuất như cánh đồng mẫu lớn, phối hợp với Sở Công Thương bố trí trạm bơm điện. Ngành giao thông cho nông dân vay vốn, cùng nhà nước làm đường giao thông nông thôn. Dân được vay vốn trong vòng 3 năm hỗ trợ lãi suất để làm vốn đối ứng. (Nhà nước 50%, doanh nghiệp 20%, người dân 30%) dự kiến sẽ giải ngân khoảng 85/170 tỷ đồng tổng vốn đầu tư cho giao thông nông thôn. Phấn đấu tới năm 2014 có đường từ huyện đến trung tâm xã đất liền.

Nhìn chung công tác triển khai quy hoạch xây dựng NTM ở các xã đến nay đã tương đối ổn định, nhiều xã đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết. Một số tỉnh như An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt quy hoạch. Riêng An Giang, Trà Vinh.... đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết. Ở một số địa phương, chất lượng đề án và quy hoạch xây dựng NTM chưa đạt yêu cầu, còn chú trọng nhiều đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiếu quan tâm đến phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Trong quá trình lập quy hoạch chưa đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng phát triển lâu dài, nên có nhiều sự thay đổi trong quá trình thực hiện do chưa phù hợp với tình hình thực tế. Năng lực cán bộ xã còn hạn chế nên không thể thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ quy hoạch xã NTM mà phải dựa vào các đơn vị tư vấn. Trong khi lực lượng tư vấn quy hoạch lại thiếu hoặc chất lượng quy hoạch không cao. Sự tham gia của người dân và Ban quản lý cấp xã còn chưa nhiều, hầu hết các xã đều “khoán trắng” cho tư vấn.


Nhiều tiêu chí không phù hợp


Ông Đoàn Văn Bình - Phó Ban chuyên trách ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Cà Mau cho rằng: Tiêu chí thu nhập ở mức 29 triệu đồng đối với địa phương nông thôn như Cà Mau thì không thực hiện được. Tiêu chí kiên cố hóa kênh mương ở Nam Bộ là không thể làm được do địa bàn rộng, sông ngòi chằng chịt, sản xuất nằm trong tình trạng phân tán, hệ thống thủy lợi Cà Mau chủ yếu là nước trời. Tiêu chí về chuyển dịch lao động quá cao trong khi Cà Mau nói riêng và các tỉnh miền Tây đều là những tỉnh đặc thù nông nghiệp.


Về yếu tố môi trường, miền Nam khác miền Bắc. Miền Bắc có nghĩa trang, có tập quán cải táng… ở miền Nam tập quán lâu đời của người dân thường là chôn ngay trên đất gia đình, xây nhà mồ kiên cố, nên rất khó qui hoạch nghĩa trang tập trung. Vấn đề xử lý rác tập trung ở xã cũng rất khó. Hiện tại Cà Mau có một nhà máy xử lý rác tại thành phố Cà Mau, nhưng chỉ giải quyết được một phần. Còn ở nông thôn, nếu mỗi xã xây dựng một điểm xử lý rác thì không thực hiện được, nên sẽ xây dựng khu xử lý theo cụm.

 

Theo báo cáo của các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, đến nay các tỉnh đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng NTM theo 19 tiêu chí. Hầu hết các xã đang xây dựng đề án, trong đó nhiều xã đã hoàn thành việc xây dựng đề án. Qua tìm hiểu ở một số địa phương cho thấy ở nhiều xã, việc đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí còn chưa đầy đủ, do vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng xây dựng đề án. Việc chỉ đạo thực hiện đề án ở các xã còn nhiều lúng túng, nội dung của các đề án vẫn nặng về phát triển cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất tăng thu nhập, văn hóa và môi trường. Việc tìm kiếm nguồn lực cho xây dựng NTM ở các địa phương còn khó khăn. Vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào vốn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước. Việc huy động nội lực đóng góp từ người dân cho xây dựng NTM có chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế.


Cùng quan điểm này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cũng cho rằng: Tuy lồng ghép nhiều chương trình nhưng mức độ tăng đầu tư cho NTM, theo Nghị quyết của Trung ương cũng chưa đạt (5 năm phải tăng gấp đôi thì mức độ có tăng nhưng chưa theo kịp nhu cầu) vì vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Đặc thù của An Giang là nằm trong vùng ngập lũ, nhân dân sống theo các tuyến dân cư sông rạch nên nhu cầu về nhà ở còn rất lớn. Việc xây dựng cụm tuyến dân cư giai đoạn 3 cũng đang triển khai đầu tư thêm để đáp ứng nhu cầu dân trong vùng ngập lũ cũng như di dời các nhà trên sông rạch để đảm bảo vệ sinh nông thôn những chương trình đó cần phải đẩy mạnh thiết thực để đảm bảo cuộc sống cũng như xây dựng NTM.


Cần đẩy mạnh hợp tác sản xuất, vì tiêu chí về hợp tác sản xuất là một tiêu chí quan trọng nhưng khó thực hiện. Hiện nay có những dạng hợp tác liên kết ngang giữa nông dân với nông dân và liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp, tức là thực hiện Quyết định 80. Việc hình thành những tổ, nhóm liên kết, HTX để sản xuất theo cùng một yêu cầu của doanh nghiệp được đặt ra nhưng chất lượng hàng hóa thế nào, chủng loại ra sao, đảm bảo dư lượng hay giới hạn trong nông sản như thế nào… Như vậy có sự liên kết dọc giữa nông dân và doanh nghiệp thì các liên kết ngang mới hình thành, từ đó hình thành vững chắc tổ hợp tác và HTX.

L.H

Ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang:

Tạo chuyển biến tốt

Nhờ có chương trình NTM nên việc hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, tưới tiêu, vận chuyển nông sản đã thuận lợi hơn, giảm chi phí sản xuất. Nhìn từ góc độ vận tải, các loại xe tải nhỏ có thể chở hàng hóa từ thành thị về các vùng nông thôn thuận lợi hơn nhờ có tuyến giao thông nông thôn được nâng cấp, việc học hành của con em ở vùng sâu, vùng xa vào mùa mưa lũ cũng bảo đảm an toàn. Có điện, có nước sạch, vệ sinh nông thôn tốt hơn, sức khỏe của nhân dân được cải thiện.

TS. Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang:

Nhiều tiêu chí chưa sát thực

Thực tế triển khai chương trình xây dựng NTM cho thấy, nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí vẫn chưa sát với yêu cầu thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chẳng hạn tiêu chí về kiên cố hóa kênh mương, ở Kiêng Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung là không thể thực hiện được do kênh rạch chằng chịt, không thể kiên cố. Hoặc tiêu chí về nhà ở, bà con sống trên nhà gỗ nhiều, có thể ở bền vững trong 40 - 50 năm, trong khi tiêu chí về nhà ở kiên cố được hiểu là không sử dụng vật liệu dễ hỏng mà phải xây dựng bằng tường bê tông… là không thể thực hiện được, vì không phù hợp với đặc điểm, tập quán cư trú ở địa phương. Vì vậy, tỉnh Kiên Giang đã chủ động điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp nhưng không giảm tiêu chí, chẳng hạn xây dựng nghĩa trang, chợ, theo quy hoạch từng vùng, không bắt buộc mỗi xã phải có một chợ và nghĩa trang, nhưng vẫn thực hiện theo tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Thảo - Huyện U Minh Thượng, Kiên Giang:

Cần ràng buộc trách nhiệm

Hiện nay nhiều người dân vẫn e dè, không muốn tham gia mô hình cách đồng mẫu lớn. Vì thực tế, nhiều doanh nghiệp đứng ra thực hiện cánh đồng mẫu lớn nhưng lại không bảo đảm được đầu ra cho nông dân. Trong trường hợp trúng mùa, mất giá, chính các doanh nghiệp này bỏ rơi nông dân, thoái thác trách nhiệm bao tiêu sản phẩm bằng nhiều chiêu thức khác nhau. Một số doanh nghiệp hợp tác với nông dân, hỗ trợ 50% giống cho nông dân, nhưng bù lại, nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo đúng quy trình và chủng loại quy định. Đây là một kiểu buộc nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp của họ. Muốn có sự hợp tác hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao của mình để xuất khẩu, tìm đầu ra ổn định, khi đó, cánh đồng mẫu lớn trở thành vùng nguyên liệu của doanh nghiệp, hai bên cùng ràng buộc trách nhiệm với nhau, có như vậy cánh đồng mẫu lớn mới phát huy hiệu quả, đời sống nông dân mới thay đổi thực sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN