Nhiều khoảng trống trong quản lý môi trường nông thôn

Môi trường nông thôn đang đứng trước nhiều thách thức như ô nhiễm không khí, rác thải, nước thải... Tuy nhiên, sự quản lý hiện còn nhiều bất cập, chồng chéo.


Đối mặt với ô nhiễm


Tân Dĩnh là xã miền núi thuộc huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có 16 thôn với hơn 12.000 khẩu. Trên địa bàn xã có trên 40 doanh nghiệp và 250 cơ sở sản xuất kinh doanh thường xuyên hoạt động. Chị Nghiêm Ngọc Lan, cán bộ xã cho biết, hiện môi trường là một trong những vấn đề bức xúc. Năm 2009, xã đã quy hoạch và xây dựng 1 khu xử lý chất thải tập trung rộng 550 m2. Quy trình xử lý chất thải chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm không khí, đất và nước... “Lượng rác thải lớn, bãi rác thải ngày càng quá tải trong khi đó xã chưa có kinh phí đầu tư công nghệ xử lý nên vấn đề rác thải đang là vấn đề bức xúc nhất của xã”, chị Lan cho biết.

Nhiều bãi rác thải tự phát hình thành ở nhiều vùng nông thôn gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN


Cùng đó, ô nhiễm nguồn nước cũng là vấn đề nhiều địa phương hiện nay phải đối mặt. Làng nghề dệt nhuộm Phương La (xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình) có trên 90% số hộ làm nghề nhuộm. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, các loại chất thải trực tiếp ra cống rãnh gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của vùng, nước giếng đào không sử dụng được do ô nhiễm nặng...

Chiếm khoảng 80% diện tích và 67% dân số toàn quốc, nông thôn giữ vai trò là vành đai xanh, góp phần cân bằng sinh thái giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, môi trường nông thôn đang đứng trước nhiều sức ép như ô nhiễm nước, ô nhiễm đất bởi chất thải...

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, ô nhiễm môi trường gây ra những thiệt hại về kinh tế - xã hội và tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân nông thôn, gây thiệt hại hoa màu, phát triển kinh tế nông - lâm - thủy sản... Tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường ở nông thôn có xu hướng gia tăng qua các năm, đặc biệt ở các khu vực sản xuất đang bị ô nhiễm hoặc gần các nguồn gây ô nhiễm đã xuất hiện một số “làng ung thư”.

“Vấn đề bức xúc nhất của môi trường nông thôn hiện nay là phát triển sản xuất chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường, thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn bị bỏ ngỏ; chưa kiểm soát được chất thải bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật, ô nhiễm làng nghề và nước sạch. Đặc biệt, công tác quản lý môi trường còn đan xen, thiếu đơn vị đầu mối quản lý”, ông Hoàng Dương Tùng đánh giá.

Quản lý chồng chéo, thiếu đầu mối

Hiện nay hệ thống chính sách, văn bản về quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn đã được ban hành nhưng vẫn còn một số hạn chế, bất cập khiến việc quản lý môi trường nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Bộ TN&MT là đơn vị đầu mối quản lý môi trường nói chung nhưng trong quy định chưa nêu rõ trách nhiệm về quản lý về lĩnh vực này. Một số bộ ngành khác như NN&PTNN, Bộ Xây dựng... có trách nhiệm quản lý môi trường theo lĩnh vực của mình. Do đó, đối với từng lĩnh vực cụ thể mà công tác quản lý còn đan xen, có những nội dung chồng chéo nhưng cũng có nội dung chưa được quy định.

Cụ thể như vấn đề quản lý chất thải rắn được giao cho Bộ Xây dựng quản lý, tuy nhiên chất thải rắn từ nông nghiệp lại giao cho Bộ NN&PTNT còn chất thải nguy hại, trong đó có việc tiêu hủy bao bì, xử lý hóa chất thực vật tồn lưu thì do Bộ TN&MT quản lý. Còn chất thải rắn sinh hoạt nông thôn gần như đang bị bỏ ngỏ, hầu như chưa có đơn vị nào quản lý trong khi đây đang là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương hiện nay.

Cùng đó, nội dung bảo vệ môi trường nông thôn đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020... cùng các văn bản chính sách khác nhưng hiện vẫn chưa có văn bản chuyên biệt nào về vấn đề này, quy định vẫn còn phân tán, thiếu tính gắn kết. Nhiều quy định pháp luật có liên quan đến BVMT nông thôn áp dụng không hiệu quả hoặc không áp dụng được. Ví dụ như quy định phân loại chất thải rắn tại nguồn áp dụng cho cả đô thị và nông thôn nhưng đến nay, việc phân loại mới chỉ được thực hiện thí điểm tại một số đô thị lớn còn tại các vùng nông thôn chưa thể thực hiện được.

Ông Hoàng Dương Tùng đề xuất, trước những vấn đề bức xúc của môi trường nông thôn hiện nay, điều cấp thiết là tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BVMT nông thôn một cách hệ thống và đồng bộ, tránh sự chồng chéo giữa các bộ, ngành. “Đặc biệt, cần đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ quản lý chất thải nông thôn. Tăng cường nguồn đầu tư tài chính từ ngân sách và huy động đầu tư từ nguồn khác cho hoạt động BVMT nông thôn, trong đó, ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay như xử lý chất thải rắn, nước thải...”, ông Tùng nhấn mạnh.

T.Thu
Bắc Ninh: Điểm tập kết rác thải góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn
Bắc Ninh: Điểm tập kết rác thải góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn

Nhằm thu gom và xử lý lượng rác thải sinh hoạt nông thôn đang có chiều hướng ngày càng gia tăng, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 550 điểm tập kết rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN