5 ngày sau cơn lũ, nước đã rút, tuyến đường nối Đông và Tây thành phố Đồng Hới, Quảng Bình đã thông xe trở lại, chúng tôi về xã Thuận Đức nơi có nhiều trang trại chăn nuôi của người dân bị thiệt hại nặng nề. Dù đã xem báo cáo về tình hình thiệt hại của tỉnh Quảng Bình cung cấp nhưng đến khi mục sở thị, chúng tôi mới thấy sự thiệt hại nặng nề ở nơi đây.
Các cán bộ chiến sĩ làm vệ sinh tại Trường Tiểu học Phù Hóa, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Võ Dung/TTXVN |
Anh Nguyễn Đình Sơn, chủ một trang trại ở thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức kể, 9 năm anh xây dựng trang trại chưa thấy trận lũ nào kinh hoàng đến vậy. Nước từ trên trời đổ xuống, nước từ dưới đất dâng lên, chỉ trong vòng chưa đến 2 giờ đồng hồ, toàn bộ trang trại của anh đã trở thành biển nước.
Vợ chồng anh không còn cách nào khác đành nhìn toàn bộ cơ ngơi bị dòng nước cuốn đi. Trong số tài sản bị mất, đáng kể nhất có hàng chục tấn cá nuôi, 1.500 con gà thịt đang chuẩn bị thu hoạch và hàng chục tấn lúa, thức ăn dự trữ chăn nuôi khác…
Mặc dù xây dựng trang trại từ hai bàn tay của mình là chính nhưng vợ chồng anh Sơn cũng phải vay nợ ngân hàng hơn 300 triệu đồng để đầu tư sản xuất. “Bây giờ, toàn bộ vốn, liếng đã bị ông trời lấy hết nên tôi vẫn chưa biết phải sống làm sao trong những ngày sắp tới”- anh Sơn ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng ở xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới nhưng chị Đặng Thị Ánh, sinh năm 1978, xây dựng được trang trại bề thế hơn nhiều lần so với anh Sơn. Chị Ánh trong những năm gần đây là điển hình phát triển kinh tế được nhiều người biết đến. Chị Ánh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng trang trại với 5 dãy chuồng chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô và chuồng trại chăn nuôi gà thịt...
Trận lũ vừa qua, toàn bộ chuồng trại của chị đã chìm trong biển nước khiến 1.200 con lợn và 7.00 con gà thịt bị chết với thiệt hại ước tính lên đến 10 tỷ đồng. Trong đó, đáng buồn nhất là hàng chục lợn nái ngoại có giá trị kinh tế cao không thể nào cứu được trước dòng nước lũ. Chị lo trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể tái sản xuất…
Trước đó, để giữ gìn vệ sinh, chống ô nhiễm môi trường, trong ngày 16/10, cán bộ vệ sinh môi trường, hội nông dân, thanh niên, chính quyền xã Thuận Đức đã huy động lực lượng cùng phương tiện đến giúp chị Ánh thu gom lợn, gà chết đem đi chôn lấp. Vậy nhưng, xung quanh trang trại, dưới các ao hồ, hoặc một vài bụi cây, chúng tôi vẫn còn thấy sót lại một vài xác chết của lợn hoặc gà đang thời kỳ phân hủy…
Còn tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, đêm 15/7 vừa qua, chỉ sau vài giờ đồng hồ lũ đổ về, 18 tàu thuyền của ngư dân đã bị kéo phăng ra biển, chiếc bị nhấn chìm, mất tích, chiếc bị mắc cạn hoặc bị sóng đánh vỡ… Nhiều gia đình vì vậy bỗng dưng trắng tay sau một đêm lũ về.
Người dân huyện Minh Hóa, Quảng Bình đang dọn dẹp nhà, cửa hàng sau khi nước rút. Ảnh: Võ Dung/TTXVN |
Trận lũ vừa qua, theo thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Bình có 19 người chết, 3 người mất tích, 21 người bị thương; 92.509 nhà bị ngập, 56 nhà bị tốc mái, 19 nhà sập; 413 ha nuôi trồng thủy sản, hàng trăm ha hoa màu, 24 trang trại bị thiệt hại nặng; số gia súc, gia cầm bị chết, bị trôi mất lên đến hơn 40.000 con...
Theo nhiều người dân, đó mới chỉ là thống kê bước đầu và chắc chắn trong vài ngày tới, con số thiệt hại sẽ còn cao hơn nữa bởi những hộ gia đình trắng tay sau lũ như anh Sơn, chị Ánh vẫn còn nhiều, chưa được báo cáo.
Từ ngay trong lũ cho đến tận bây giờ, chính quyền, lực lượng vũ trang, các ban ngành, đoàn thể của tỉnh Quảng Bình đã có nhiều cố gắng trong việc giúp dân phòng, chống bão lũ, ổn định đời sống và sản xuất. Tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo và tiền để cứu trợ cho người dân và bước đầu khắc phục những hậu quả do lũ lụt gây ra về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi…
Bên cạnh những việc đã làm được, người dân mong muốn chính quyền xem xét hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản... để khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ thuốc, vật tư xử lý môi trường và phòng chống các loại bệnh dịch sau mưa lũ. Cùng với đó, người dân mong muốn Chính phủ, tỉnh Quảng Bình, các ngân hàng tạo điều kiện giúp đỡ để người dân được tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Có như vậy, người dân mới sớm ổn định lại sản xuất và cuộc sống.
* Trung ương Hội Chữ thập đỏ trao quà hỗ trợ khẩn cấp vùng lũ Hà Tĩnh
Chiều 17/10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có mặt tại vùng rốn lũ – xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) trao quà hỗ trợ khẩn cấp cho bà con chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Tại xã Phương Mỹ, đoàn đã trao tận tay bà con mỗi phần quà, gồm: 1 thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa nhà, bình và viên lọc nước cùng các nhu yếu phẩm cần thiết khác.
Ông Ngô Xuân Đường, 95 tuổi (xóm Trung Phương, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bày tỏ vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ: "Các vật dụng được trao đến bà con chúng tôi lúc này là vô cùng kịp thời, cần thiết. Đặc biệt là bình lọc nước sạch, mấy ngày qua, chúng tôi luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sạch vô cùng khổ sở. Xã Phương Mỹ được coi là vùng “rốn lũ” của huyện Hương Khê, mưa lớn kéo dài đã làm cho địa phương này bị bao vây bởi nước lũ từ 3 ngày nay".
Theo ông Hoàng Xuân Tần, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, toàn xã hiện có 3.024 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn bởi nước lũ, dự kiến khoảng 6 ngày nữa, nước mới rút hết khỏi địa bàn. Hiện tại, mặc dù thời tiết khô ráo hơn, nước đã xuống gần 2 mét so với trước nhưng xã vẫn bị ngập sâu trong nước 1,5 mét.
Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng Ban Phòng ngừa và ứng phó thảm họa thiên tai, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Dịp này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ khẩn cấp bước đầu cho 4 tỉnh miền Trung với tiền và hàng trị giá 1,97 tỷ đồng, kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn ban đầu, ổn định cuộc sống. Trong đó, hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh 300 triệu đồng, 400 thùng hàng gia đình, 100 bộ dụng cụ sửa nhà, 35 nghìn viên lọc nước, 100 bình lọc nước, 50 thùng dầu gội đầu.
Tối cùng ngày, đoàn cũng đã đến thắp hương chị Nguyễn Thị Loan (khối phố 1, phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) bị lũ cuốn trong đợt lũ vừa qua, chia sẻ, động viên gia đình vượt qua khó khăn và hỗ trợ gia đình 3 triệu đồng.