Những nội dung liên quan đến lao động nữ, trong đó có tuổi hưu và thời gian nghỉ thai sản đang được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho phụ nữ được chăm sóc về sức khỏe tốt hơn, vừa có nhiều cơ hội để làm việc, đóng góp.
Linh hoạt tuổi hưu để giảm lãng phí
Lâu nay, việc nghỉ hưu của lao động nữ quy định nghỉ sớm hơn nam giới 5 tuổi. Chính sách này qua một thời gian dài áp dụng, hiện nay, bắt đầu bộc lộ bất cập. Theo GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu- Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam - ở Việt Nam, thực tế cho thấy sự đóng góp của phụ nữ ở tuổi 55 trong ngành lao động không nặng nhọc vẫn còn rất sung sức. “Tất nhiên, chính sách của Nhà nước ta lâu nay là ưu tiên phụ nữ, rất tốt. Nhưng chế độ tuổi hưu hiện hành đang làm chúng ta lãng phí một nguồn lực lao động đã qua đào tạo và có trí tuệ”, bà Châu nhấn mạnh.
Vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Theo Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ- TB&XH) đề xuất, lao động nữ ở khối công chức, hành chính, sự nghiệp nên tăng tuổi hưu; lao động nữ khối sản xuất kinh doanh nên giảm tuổi hưu.
Tán thành với quy định tuổi hưu theo hướng “mở” như trên- phụ nữ đến 55 tuổi được quyền nghỉ hưu chứ không buộc phải nghỉ hưu, GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng: “Đến 55 tuổi, những người trong lực lượng lao động trí óc có nguyện vọng nghỉ thì viết đơn xin nghỉ và được quyền nghỉ với đầy đủ chế độ. Còn nếu không thì cứ tiếp tục làm việc bình thường hưởng đủ chế độ bảo hiểm, chứ không phải như hiện tại đến 55 tuổi, muốn làm việc thì phải viết đơn xin, đó là quyền lợi phụ nữ được đóng góp cho xã hội”.
Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng, việc bình đẳng tuổi nghỉ hưu với nam giới giúp phụ nữ có cơ hội công bằng hơn, lợi ích về tài chính cao hơn và đóng góp cho xã hội cũng tốt hơn. “Việc kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ là một vấn đề lớn, vì lợi ích của đất nước, nhất là trong điều kiện nước ta đang tiến tới nền kinh tế tri thức, đang muốn công nghiệp hóa nhanh chóng”, GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu khẳng định.
Nghỉ thai sản 6 tháng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Cùng với việc linh hoạt tuổi hưu cho lao động nữ, thời gian nghỉ thai sản cũng được cân nhắc tăng thêm 2 tháng so với quy định hiện hành. Thay đổi này tạo điều kiện cho phụ nữ bồi dưỡng sức khỏe, làm việc tốt hơn sau thời gian nghỉ sinh và chăm sóc con nhỏ. Đồng thời, phụ nữ có điều kiện để đầu tư hơn nữa cho sự nghiệp, tăng hiệu quả công việc.
Bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam “Tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ sáng tạo” Các hoạt động hỗ trợ, các giải thưởng khích lệ động viên của Hội đã và đang nuôi dưỡng, chắp cánh cho những sáng tạo trong thực tiễn của chị em. Đặc biệt, Giải thưởng Kovalepxkaia qua 25 năm trao thưởng đã cổ vũ chị em hăng hái nghiên cứu khoa học. Quỹ Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam thành lập năm 2003 dành cho các tập thể, cá nhân nữ có thành tích đặc biệt xuất sắc trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội qua 8 lần trao giải đã động viên, khích lệ phụ nữ phát huy tài năng, sức sáng tạo. Hiện nay Hội đang xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ tài năng nữ trẻ. |
Để những thay đổi này tăng thêm lợi ích cho lao động nữ, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tính đến những tác động của nó. Lo ngại nguy cơ phụ nữ sẽ khó xin việc, nếu tăng thời gian nghỉ thai sản, GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu băn khoăn: “Nếu kéo dài thời gian nghỉ thai sản, nữ có thể mất đi tính liên tục trong quá trình công tác, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả công việc khi đi làm trở lại”. Chính vì vậy, GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng: “Chúng ta cần có những tổ chức hỗ trợ việc làm cho phụ nữ sau khi sinh con như ở một số nước”.
Tới thời điểm này, nội dung tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng đã nhận được rất nhiều sự đồng tình, là một tín hiệu vui cho lao động nữ. Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ngày 5/10/2011, Ủy ban về các vấn đề xã hội đề xuất nên quy định linh hoạt mức sàn tối thiểu (có thể là 4 tháng) và tối đa là 6 tháng. Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, phải có lộ trình để bảo đảm không tạo ra rào cản cho lao động nữ khi tham gia thị trường lao động.
Mạnh Minh