Các đề xuất, giải pháp đã nêu bật tính cấp bách phải kiềm chế ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn, tập trung vào việc đánh giá thực trạng ùn tắc giao thông, sự cần thiết quản lý tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân trong việc hạn chế ùn tắc giao thông; kinh nghiệm quản lý sự gia tăng phương tiện cá nhân ở một số thành phố trên thế giới và khu vực; cơ hội và thách thức quản lý phát triển khách công cộng trong tình hình gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Bên cạnh đó, các đề xuất, giải pháp tập trung vào việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giải pháp tổ chức quản lý và ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong giao thông đô thị, vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền ý thức cộng đồng tham gia giao thông, sử dụng phương tiện tham gia giao thông…
Hàng nghìn phương tiện giao thông chen chúc nhau trên đường phố. Ảnh: TTXVN |
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, sự gia tăng dân số cơ học và phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn khiến hệ thống giao thông đô thị của Thủ đô quá tải, ùn tắc và tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Nhiều giải pháp chống ùn tắc và tai nạn giao thông được thành phố triển khai trong những năm qua đã giúp Hà Nội giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với năm trước. Tình hình ùn tắc giao thông chuyển biến tích cực, số điểm ùn tắc giảm từ 124 điểm năm 2019 xuống còn 44 điểm năm 2015. Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng phương tiện cá nhân nhanh chóng, trong khi hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa hoàn thiện, chất lượng dịch vụ vận tải công cộng chưa cao, số điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng tuy có xu hướng giảm nhưng lại phát sinh thêm nhiều điểm ùn tắc cục bộ khác. Tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số lượng vụ tai nạn giao thông còn cao. Thực tế này cho thấy cần có những giải pháp cấp bách để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn.
Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới Lê Hoàng Anh cho rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng số 1 trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Thời gian qua, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được coi là biện pháp trọng tâm để nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Nhiều mô hình, cách làm hay đã được các địa phương áp dụng song cách làm còn đơn lẻ, chưa bài bản… Để phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, thời gian tới cần có giải pháp, lộ trình cụ thể triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố”; huy động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia triển khai thực hiện đề án.