TP. Hồ Chí Minh:

Nhiều dự án 'treo' làm khổ dân

Là đô thị lớn nhất nước, TP.HCM hiện đang có hàng chục dự án quy hoạch với quy mô mỗi dự án lên đến hàng trăm ha, kéo dài hơn chục năm vẫn chưa được triển khai. Những dự án này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của hàng chục ngàn người dân, khiến cho chất lượng cuộc sống của người dân ở những nơi này không được cải thiện.


Từ bức xúc của người dân và nhận thấy đây là trách nhiệm của chính quyền, TP.HCM đã đưa vấn đề giải quyết quy hoạch “treo” trở thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời điểm cuối năm 2012 này.


Dự án lớn ảnh hưởng lớn


Hàng ngàn hộ dân trên bán đảo Bình Quới -Thanh Đa (quận Bình Thạnh) suốt 20 năm nay phải sống trong cảnh khổ sở từng ngày vì điều kiện nhà ở chật chội, xuống cấp, ngập nước khi mùa mưa đến hay triều cường lên theo con nước hàng tháng; thế nhưng họ không được phép cải tạo, xây mới nhà cửa chỉ vì đang nằm trong diện quy hoạch “treo”.


Đất đai bị bỏ hoang do quy hoạch treo gần 20 năm ở bán đảo Bình Quới-Thanh Đa.


Năm 1992, TP.HCM đã có ý tưởng quy hoạch khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa thành một khu văn hóa - thể thao - du lịch, nghỉ ngơi, giải trí. Đến năm 2000, thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết bán đảo Thanh Đa với tính chất là “khu du lịch - văn hóa - giải trí và dân cư gắn với du lịch thành phố” với tổng diện tích 410 ha và quy mô dân số dự kiến khoảng 80.000 dân.


Đến năm 2004, thành phố lại có Quyết định số 2740, thu hồi, tạm giao đất cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn để đầu tư xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện, trong khi người dân sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì sợ giải tỏa nhà đất bất kì lúc nào.


Có thể nhận thấy có sự khác biệt ở tuyến đường chính “xuyên tâm” của khu này khi đối diện với những nhà hàng, quán ăn hay khu du lịch Bình Quới sang trọng là những căn nhà nhỏ lụp xụp lợp mái tôn, những ao nước đen ngòm bỏ hoang hoặc những đầm sen, súng. Bà Nguyễn Thị Tứ - một người dân gắn bó lâu đời với vùng đất này, cho biết mặc dù gia đình bà có đến 5 người con, lại có đến vài ngàn m2 đất, nhưng không thể nào xây mới hay mở rộng nhà được. “Người ta nói “an cư lạc nghiệp” mà chúng tôi có an cư được đâu, quanh năm cứ thấp thỏm nằm trong diện quy hoạch nên việc làm ăn cũng chẳng ra sao. Gần 20 năm rồi còn gì, chúng tôi quá mòn mỏi vì chờ đợi”.


Con đường chính dẫn vào khu Bình Quới-Thanh Đa.


Một dự án “treo” khác cũng làm ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm hộ dân suốt 14 năm nay, đó là khu quy hoạch hồ sinh thái Vĩnh Lộc thuộc địa bàn 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Phạm Văn Hai với tổng diện tích hơn 369 ha. Để thực hiện dự án này, hơn 900 hộ dân sẽ bị giải toả trắng nhà ở và đất sản xuất cùng những công trình khác. Đây là dự án phức hợp, ngoài phần hồ sinh thái còn có một phần đáng kể dành để xây dựng sân golf và một phần khác dùng để xây dựng khu biệt thự để kinh doanh bất động sản, được Thủ tướng giao cho Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh vào năm 1999. Đến năm 2011, dự án đã bốn lần thay đổi chủ đầu tư nhưng chỉ có vài hộ dân được chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường đất.


Trong khi đó, người dân sinh sống ở Ấp Doi thuộc phường 15, quận Gò Vấp cũng chịu khổ hơn 10 năm nay khi toàn bộ khu đất này “lọt” vào quy hoạch. Được bao bọc bởi rạch Xếp Sâu, sông Vàm Thuật và phường Thạnh Xuân (quận 12), Ấp Doi là một cù lao có diện tích tự nhiên hơn 40 ha với khoảng 665 hộ dân và hơn 2.700 nhân khẩu đang sinh sống.


Năm 1998, TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch 1/500 làm quỹ đất cây xanh. Sau đó, thành phố cũng đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch khu dân cư Ấp Doi là khu quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp phục vụ tái định cư tại chỗ và tái định cư cho các dự án trọng điểm trên địa bàn quận Gò Vấp. Thế nhưng quy hoạch đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa có một đơn vị nào tiến hành thực hiện. Ấp Doi hiện nay như một ốc đảo biệt lập với quận Gò Vấp khi chưa có nước sạch sinh hoạt, đường đất còn chiếm đến 40%. 14 năm qua kể từ khi được quy hoạch, người dân nơi đây không thể xây dựng mới hay sửa chữa nhà cửa mặc dù đã xuống cấp trầm trọng.


Ông Đào Anh Kiệt -
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM:

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng “treo” các dự án là do một số chủ đầu tư không có năng lực vốn, năng lực về quản lý điều hành dự án, chỉ tham gia đầu tư theo phong trào nên dẫn đến dự án chậm hoặc không triển khai. Thậm chí, có doanh nghiệp chỉ lập thủ tục để được thu hồi - giao đất nhưng không triển khai đầu tư mà sau đó tìm cách chuyển nhượng dự án nhằm hưởng chênh lệch… Do đó, thời gian tới cần có những chính sách để quản lý hoặc chế tài tốt hơn, chặt chẽ hơn.

Ông Nguyễn Trường Lưu
- Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM:

Trong quá trình làm quy hoạch, cần phải ứng xử để người dân không bị thiệt thòi, được sống có chất lượng, được hưởng quyền lợi như mọi người. Thực tế hiện nay là người dân sống trong các dự án treo thì quyền lợi bị xâm phạm, ở đâu dự án treo là ở đó người dân nghèo nàn, xơ xác. Khi làm một dự án, chủ đầu tư phải lập kế hoạch triển khai dự án, chuẩn bị tiền, nhân lực, thời gian trước, sau đó mới đi xin dự án, làm quy hoạch. Tuy nhiên, có nhiều nơi làm quy hoạch trước, mới làm kế hoạch đầu tư sau nên khi kế hoạch bị bể, không vay được tiền, dẫn đến quy hoạch “treo”. Do đó, cần phải có một chế tài như thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án, xóa quy hoạch treo.

PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Có một vấn đề mà hiện nay chúng ta chưa quan tâm lắm, đó là bài toán kế hoạch phát triển đô thị. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho các dự án, vì kế hoạch phát triển đô thị là bài toán cân đong, đo đếm giữa vấn đề tài chính đô thị và vấn đề phát triển dự án như thế nào, vấn đề an sinh xã hội... chúng phải cân bằng với nhau. Nếu không làm được như vậy, tôi nghĩ cũng có lúc chúng ta phải nghĩ đến việc không phát triển đô thị nữa, bởi vì chúng ta không giải được bài toán an sinh xã hội, bài toán công ăn việc làm của người dân… Chúng ta không thể phát triển đô thị bằng mọi giá. Chính quyền cũng cần phải đặt niềm tin vào người dân - hãy để người dân tham gia vào việc cùng giải quyết quy hoạch treo. Trong đợt tổng rà soát điều chỉnh đồ án quy hoạch, thậm chí cả kế hoạch phát triển đô thị, tôi nghĩ nên cho người dân cùng tham gia.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, hiện tại thành phố có đến 28 dự án quy hoạch “treo” gây bức xúc và làm khổ sở cho người dân. Những dự án trên là những dự án lớn, còn những dự án vừa và nhỏ thì còn rất nhiều.


Chẳng hạn tại quận 8, nhiều dự án hiện nay vẫn còn giậm chân tại chỗ dù đã được quy hoạch từ lâu như khu tái định cư và công viên văn hóa phía bắc đường Tạ Quang Bửu (phường 4).


Hay như tại quận Bình Thạnh có một dự án “treo” mới chồng lên dự án “treo” cũ thuộc khu vực các phường 19, phường 22. Nơi đây được quy hoạch phát triển dự án khu đô thị thanh niên Văn Thánh nhưng đã “treo” gần 20 năm qua thì mới đây lại bị “treo chồng” thêm dự án khu bờ tây sông Sài Gòn.


“Cởi” nhưng chưa... “mở”


Mặc dù một số dự án quy hoạch “treo” qua nhiều năm không được triển khai đã được thành phố tiến hành thu hồi hoặc đã “cởi trói” một phần nhưng trên thực tế những dự án “treo” này vẫn chưa được... thả.


Điển hình là tại dự án Bình Quới -Thanh Đa, năm 2010, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi dự án từ chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn và khẳng định người sử dụng đất trong khu vực được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật đất đai.


Tuy nhiên, niềm hy vọng vừa “nhen nhóm” thì các hộ dân trong khu vực này tiếp tục thất vọng vì mặc dù thành phố đã xóa dự án “treo” nhưng vẫn còn là vùng quy hoạch khu đô thị sinh thái. Vì vậy, chỉ khoảng 1.200 hồ sơ nhà, đất sử dụng trước năm 1992 (thời điểm công bố quy hoạch) đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền. Số còn lại không có giấy tờ chủ quyền nhà, đất, vẫn phải chịu cảnh không được cắt đất xây nhà, sửa chữa.


Hay như tại dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc, vì chủ đầu tư chậm triển khai nên tháng 1/2011, UBND TP.HCM có quyết định ngưng thực hiện dự án. Ông Thiều Văn Se, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, cho biết khi UBND TP ngưng triển khai dự án thì người dân mới được cấp giấy chủ quyền cho nhà đất tạo lập trước năm 1999 (thời điểm công bố quy hoạch), được xây nhà tạm trên đất thổ cư và những nhà xây dựng trước ngày 1/7/2004 (thời điểm Luật Xây dựng có hiệu lực) thì được cấp số nhà.


Đối với những gia đình đông con, UBND huyện cho phép tách thửa đất nông nghiệp trên 1.000 m2, gia đình được chuyển mục đích 300 m2 đất nông nghiệp thành thổ cư. Chính sách “mở” là thế, tuy nhiên trên thực tế khu vực hơn 369 ha thuộc dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc vẫn là diện tích nằm trong quy hoạch và người dân có đất chưa hoàn toàn được “cởi trói”. Mặc dù UBND TP có quyết định ngưng dự án, nhưng quyền lợi về đất đai của người dân cũng chưa khác nhiều so với trước kia. Khu vực này vẫn là quy hoạch hồ sinh thái, chưa biết khi nào triển khai nên người dân không dám bỏ vốn đầu tư vào đất đai hay nhà cửa của mình.


“UBND xã thông báo rồi, bây giờ xây dựng cái gì cũng phải cam kết tháo dỡ không bồi thường khi Nhà nước triển khai dự án. Nếu hôm nay xây nhà, nhưng ngày mai Nhà nước thu hồi đất thì xây làm gì nữa” - ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân nằm trong khu quy hoạch, cho biết.


Vì quyền lợi người dân


Tại kỳ họp thứ 6 (khóa VIII) của HĐND TP.HCM vào đầu tháng 10 vừa qua, nhiều đại biểu HĐND TP cho rằng, quy hoạch treo đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và gây nhiều bức xúc cho người dân. Chính vì thế thành phố cần rà soát lại các dự án, quy hoạch “treo” và dự án nào đã giao trong vòng 12 tháng mà không làm do nguyên nhân chủ quan thì phải thu hồi.


Ngoài ra, khi giao dự án thành phố phải yêu cầu các bên liên quan cam kết thời gian và có phương án thực hiện khả thi. Đại biểu Trần Trọng Dũng cho rằng “muốn thực hiện quy hoạch thuận lợi, trước hết phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương hiện nay, mọi thiệt thòi đều dồn lên vai người dân. UBND TP cần quy định rõ chế tài đối với những chủ đầu tư dự án không đủ năng lực. Quá thời gian quy định sẽ thu hồi hoặc đình chỉ các dự án quy hoạch hoặc bắt buộc chủ đầu tư phải ký quỹ tại ngân hàng, nếu xảy ra tình trạng “treo” thì dùng kinh phí đó đền bù thiệt hại của người dân”.


Để đảm bảo quyền lợi cho người dân thành phố, UBND TP.HCM khẳng định đến cuối năm 2012 sẽ tổng rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch của các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 đã được phê duyệt. Sau khi có kết quả rà soát, các quy hoạch đã có kế hoạch thực hiện sẽ công bố nguồn lực, thời gian và lộ trình thực hiện để người dân biết. UBND TP cũng nhấn mạnh, với những quy hoạch thiếu tính khả thi hoặc chưa có kế hoạch thực hiện gây bức xúc trong nhân dân thì sẽ xem xét có nên tiếp tục hay không. Với những quy hoạch qua rà soát mà đánh giá không khả thi thì UBND TP cam kết sẽ điều chỉnh, xóa quy hoạch “treo”.


Còn theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, thành phố đang có những quyết sách để triển khai thực hiện hoặc thu hồi chủ trương các dự án chậm triển khai. Chẳng hạn, mới đây thành phố đã thu hồi quy hoạch khu 600 ha khu An Phú Hưng (huyện Hóc Môn) (do Tổng công ty đầu tư An Phú đầu tư, nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện) để chỉnh trang phát triển thành khu đô thị bình thường, giúp người dân nơi đây có điều kiện cải tạo, xây mới nhà cửa đã được đông đảo người dân trong khu vực đồng tình ủng hộ.



M.Thuyết - H.Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN