Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã đầu tư được nhiều công trình cấp nước sinh hoạt bằng nhiều nguồn vốn như vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình 134, 135, 30a, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Đây là những nguồn lực quan trọng đã giúp cho địa phương phát triển hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tuy vậy, rất ít công trình thu được tiền sử dụng nước theo quy định nên không có kinh phí bảo dưỡng thường xuyên, làm cho số lượng công trình bị hư hỏng xuống cấp ngày càng nhiều.
Các xã vùng cao Nậm Chảy của Mường Khương cách trung tâm tỉnh gần trăm cây số trước kia chỉ dùng nước khe, nước sông, hồ tự nhiên. Mùa mưa, nguồn nước bị ô nhiễm nặng, mùa khô người dân phải đi rất xa mới lấy được nước. Hiện nay, ở các cụm, khu dân cư đã có hệ thống cấp nước tự chảy tập trung, được xử lý theo phương pháp lọc ngược.
Chị Triệu Lở Mẩy, thôn Nậm Chảy I, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương cho biết "không còn phải lo cái nước nữa, giờ nước về tận nhà, nhiều mà lại rất là trong".
Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Lào Cai phấn đấu đạt tỷ lệ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh khu vực nông thôn là 95%, trong đó, có 50% được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 02/2009/BYT của Bộ Y tế. Do đó, trong giai đoạn từ năm 2010-2018 Lào Cai đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới 453 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, tổng vốn đầu tư trên 565 tỷ đồng. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến hết năm 2018 đạt 90%, tăng 4,3% so với năm 2015 và tăng 10,9% so với năm 2010.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê đầu tư hàng năm và tổng hợp báo cáo của các huyện, thành phố của Lào Cai, trong số 1.042 công trình cấp nước tự chảy tập trung tại địa phương chỉ có 295 công trình được đánh giá hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ 28,3%, giảm 44 công trình so với năm 2017; 340 công trình được đánh giá hoạt động bình thường, chiếm tỷ lệ 32,6%, giảm 71 công trình; 243 công trình đang hoạt động kém hiệu quả, chiếm tỷ lệ 23,3%, tăng 22 công trình và 164 công trình không hoạt động, chiếm tỷ lệ 15,8%, tăng 95 công trình.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai là do mức độ quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa cao, chưa quyết liệt, chưa coi công trình cấp nước là tài sản của địa phương.
Đặc biệt, tình trạng người dân có thói quen sử dụng nước không phải trả tiền và còn trông chờ ỷ lại vào các chế độ chính sách của nhà nước rất phổ biến. Do đó, tổ quản lý công trình không có kinh phí để quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình. Khi công trình có hư hỏng nhỏ đã không có giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời, dẫn đến các hư hỏng lớn hơn, lâu dần công trình bị xuống cấp, mất năng lực phục vụ.
Hơn nữa, tất cả các xã không có cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thủy lợi nên hạn chế trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện quản lý khai thác công trình. Thậm chí, việc kiện toàn tổ chức quản lý công trình cấp nước tại một số xã chỉ mang tính hình thức, chỉ thành lập ra nhưng không hoạt động hoặc có hoạt động nhưng không hiệu quả dẫn đến công trình không có chủ thực sự.
Nhằm khắc phục tình trạng trên và gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương vào công tác này, đồng thời, từng bước nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm của nhân dân, năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai giao chỉ tiêu thu tiền nước cho các huyện, thành phố. Đồng thời, lấy đây là một trong những chỉ tiêu xét thi đua của các địa phương. Tổng số công trình giao thu tiền sử dụng nước năm 2018 là 708 công trình.
Hết năm 2018, tỉnh Lào Cai chỉ có 153 trong số 708 công trình thu được tiền nước đạt 21,6% kế hoạch; trong đó, đạt tỷ lệ cao nhất là huyện Văn Bàn đạt 55,4%, huyện thấp nhất là huyện Si Ma Cai đạt 7,8%, với mức thu bình quân là 500 - 1.500 đ/m3. Tổng số tiền thu được là 2,02 tỷ đồng (đạt 20,6% kế hoạch giao năm 2018), còn lại 555 công trình không thu tiền nước (chiếm tỷ lệ 78,4%).
Năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo rà soát, đánh giá lại tình trạng hoạt động của các công trình cấp nước trong toàn tỉnh và tham mưu để UBND tỉnh Lào Cai chỉ giao kế hoạch thu đối với các công trình hoạt động bền vững và ổn định.
Tại Quyết định số 363 ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh Lào Cai về việc giao kế hoạch thu tiền sử dụng nước sinh hoạt năm 2019 đối với các huyện, thành phố, Lào Cai giao kế hoạch thu tiền sử dụng nước đối với 551 công trình, tổng số tiền thu là 3,4 tỷ đồng. Kết quả, đến hết tháng 7/2019, mặc dù việc thu tiền sử dụng nước đã có chuyển biến nhưng kết quả vẫn đạt thấp có 168/551 công trình thu được tiền sử dụng nước với trên 1,3 tỷ đồng đạt 38% kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thời gian tới, chính quyền các địa phương cần phải tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu tiền sử dụng nước đối với tất cả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố. Đồng thời, chỉ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình khi có ít nhất 75% người dân cam kết trả tiền sử dụng nước, đưa nội dung này thành thủ tục bắt buộc khi phê duyệt đầu tư, không sử dụng ngân sách tỉnh hoặc các chương trình dự án của Trung ương để đầu tư sửa chữa các công trình bị hư hỏng do nguyên nhân quản lý khai thác yếu kém. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo công nhân kỹ thuật, thợ có tay nghề về thủy lợi, cấp nước cho cấp xã, thôn nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ quản lý công trình đảm bảo mỗi xã có ít nhất 1 công nhân kỹ thuật.
Ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai xem xét tăng mức hỗ trợ cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình cấp nước. Do hiện tại nhiều công trình đã được đầu tư từ rất lâu đã bị hư hỏng, xuống cấp, số hộ thực tế sử dụng còn ít, nhiều công trình không thu được tiền hoặc thu với mức thu thấp nên mức hỗ trợ 10.000 đồng/người/năm chỉ đáp ứng được một phần kinh phí để duy tu, sửa chữa (có nhiều công trình chỉ được hỗ trợ vài trăm nghìn).
Ngành cũng đề nghị giao cho Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện là đầu mối chuyển giao kỹ thuật quản lý khai thác công trình thủy lợi và các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, trực tiếp tham gia quản lý khai thác một số công trình cấp nước có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đặc thù trên địa bàn.