Không chỉ ở những xã nghèo, trình độ dân trí thấp, hiện nay, số người sinh con thứ ba ở những địa bàn đời sống kinh tế khá giả, trong đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên có xu hướng gia tăng trên địa bàn Hà Nội.
Nguyên nhân tỷ lệ sinh con thứ ba ở Hà Nội gia tăng là do công tác dân số bị buông lỏng. Ảnh: Dương Ngọc-TTXVN |
Tại cuộc giám sát mới đây của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) thành phố Hà Nội, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ thành phố đã bày tỏ sự lo ngại, Hà Nội sẽ không hoàn thành 5 chỉ tiêu kế hoạch về dân số, trong đó có 2 chỉ tiêu là giảm sinh và sinh con thứ ba.
Ông Huy nhấn mạnh, nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ con thứ ba gia tăng trên địa bàn là do công tác dân số bị buông lỏng, sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương và tham gia của các thành viên ở cơ sở xã, phường, thôn, xóm, cụm dân cư không chặt chẽ, vẫn còn tình trạng “ khoán trắng” cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số. Vì vậy, làm giảm hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ.
Sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số đã gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn. Nhiều người cho rằng, “cán bộ, đảng viên đẻ được, nghĩa là Nhà nước đã nới tay rồi”. Trong năm 2012, toàn thành phố có 11.860 trẻ ra đời là con thứ ba trở lên, tăng 3.311 trẻ, chiếm tỷ lệ 8,61%, tăng 1,27% so với năm trước. Đáng chú ý, có 268 cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên sinh con thứ ba, tăng 62 người so với năm trước. Việc phát hiện và xử lý đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm chính sách dân số chưa được kịp thời đã gây ảnh hưởng không tốt trong quần chúng nhân dân. Nhiều trường hợp sinh con thứ 3 xử lý mang tính hình thức nên không đủ tính giáo dục, thuyết phục và làm gương ngay trong cơ quan, đơn vị.
Theo Chi cục DS - KHHGĐ thành phố Hà Nội, hiện nay, một số quận, huyện chưa quan tâm đến kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ các cấp, chậm so với kế hoạch đề ra. Hiệu quả công tác tuyên truyền vận động thực hiện chính sách DS - KHHGĐ ở cơ sở chưa cao do chậm được đổi mới, chưa phong phú về nội dung, hình thức, tiếp cận đối tượng đích còn khó khăn; sự phối hợp liên ngành thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số ở cơ sở chưa được quan tâm và thực hiện có hiệu quả; trình độ chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ tại cơ sở cũng còn nhiều hạn chế...
Bên cạnh đó các yếu tố khách quan khác như tỷ lệ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ hàng năm của toàn thành phố vẫn ở mức cao; tốc độ tăng dân số cơ học tăng cao ở hầu hết các quận, huyện, nhất là các quận đang đô thị hóa cao; tâm lý sinh nhiều con của đa số các cặp vợ chồng vẫn còn nặng nề, nhất là đối với những gia đình sinh con một bề.
Đáng chú ý, hiện nay, việc kiểm tra, giám sát vi phạm chính sách DS - KHHGĐ trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên mặc dù đã được quan tâm nhưng do chưa có chế tài xử phạt nghiêm khắc nên chưa có tính giáo dục, răn đe.
Ông Tạ Quang Huy cho biết, để khắc phục những tồn tại trên, năm 2013 các đơn vị phải rất quyết tâm, đặc biệt đối với xã, phường tỷ lệ sinh con thứ ba cao. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương phải nhận thức được việc thực hiện mục tiêu dân số cũng là nhiệm vụ kinh tế xã hội quan trọng. Khi chế tài xử phạt chưa nghiêm, phải lấy sức ép cộng đồng khiến họ cam kết với thôn, xã thực hiện chính sách dân số để làng là làng văn hóa, xã đạt chuẩn y tế quốc gia. Để đạt tiêu chí về nông thôn mới, các đảng viên phải gương mẫu thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, các cặp vợ chồng cần phải ký cam kết với thôn. Mặt khác, không được để tình trạng chính quyền cấp xã còn tư tưởng “khoán trắng” về công tác dân số cho cán bộ chuyên trách. Công tác kiểm tra, giám sát phải được quan tâm thường xuyên. Ban chỉ đạo thị xã phải sớm có kiểm tra, chú trọng giám sát các xã yếu kém. Phải đẩy “quả bóng” trách nhiệm sang chân chủ tịch UBND xã, phường, chứ nếu chỉ có cán bộ dân số thì không thể hạ được tỷ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn.
Tuyết Mai