Ngày 16/8, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Vai trò của các tổ chức phụ nữ".
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại biểu đến từ các Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các cơ quan, bộ, ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cấp Trung ương và tỉnh/thành, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, hòa bình và an ninh đã trở thành mục tiêu chung của phong trào phụ nữ thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, phụ nữ là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, đồng thời tham gia tích cực vào công tác đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, kiến tạo và đề xuất các giải pháp vì hòa bình.
Theo bà Hà Thị Nga, thế giới đang đứng trước những thách thức lớn về an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, đe dọa đẩy lùi những thành quả của phát triển bền vững. Trong môi trường bất ổn và những tình huống khủng hoảng thì phụ nữ, trẻ em thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực trong ngăn ngừa, xử lý khủng hoảng và tham gia kiến tạo, gìn giữ hòa bình. Trong bối cảnh đó, vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Diễn đàn với tên gọi "Thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Vai trò của các tổ chức phụ nữ" là sáng kiến chung của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới.
Tại Diễn đàn, đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức liên quan đã trao đổi thông tin, kinh nghiệm và sáng kiến hợp tác nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hòa bình và an ninh; tăng cường sự quan tâm và cam kết đồng hành của cộng đồng quốc tế, cơ quan, tổ chức trong nước về lĩnh vực này; đồng thời thảo luận các chính sách nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự chung về phát triển bền vững, trong đó có phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, phụ nữ là nguồn lực quan trọng và quý giá; tiến trình xây dựng hoà bình không thể thành công nếu không tính tới yếu tố giới, không tính tới những quan tâm của phụ nữ và không có sự tham gia của phụ nữ. Phụ nữ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội và có nhiều tố chất để có thể làm tốt các nhiệm vụ xây dựng hòa bình. Bà Nga cho rằng, phụ nữ cần được nhìn nhận vừa là đối tượng của những nỗ lực xây dựng hòa bình, vừa là nhân tố, lực lượng chủ chốt tham gia xây dựng hòa bình.
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cho biết, chính sách đối ngoại ủng hộ phụ nữ của Canada đặt phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới làm trung tâm trong hợp tác quốc tế của nước này, không chỉ vì lợi ích của phụ nữ, trẻ em mà còn vì Canada nhận thức được rằng sự đa dạng, bình đẳng và bao trùm là chìa khóa mang lại những thành quả bền vững. Ông khẳng định, ở Việt Nam nói riêng và trong khối ASEAN nói chung, Canada cam kết ủng hộ trao quyền cho phụ nữ trong các hoạt động hòa bình, gìn giữ an ninh trật tự quốc tế.
Cũng đề cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong tiến trình hòa bình, ông Thomas Wiersing - Đại biện lâm thời, Phó Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, Liên minh châu Âu tin rằng phụ nữ và trẻ em gái ở mọi thành phần, tầng lớp xã hội nên tham gia và định hình tất cả các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh, ngăn ngừa xung đột đến giải quyết xung đột. Phụ nữ cũng đóng vai trò then chốt trong ngăn chặn bạo lực, trong đó có bạo lực tình dục và bạo lực trên cơ sở giới.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn đều có chung nhận định rằng hòa bình, an ninh là nhu cầu, khát vọng của phụ nữ. Việc thực hiện Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh sẽ góp phần vào sự phát triển của các quốc gia, vùng lãnh thổ và thế giới nói chung. Diễn đàn là một trong những hoạt động có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những thách thức lớn về an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống (dịch bệnh, thiên tai do biến đổi khí hậu, tội phạm mạng...) vốn đang đe dọa đẩy lùi những thành quả của phát triển bền vững.