Nhân Ngày nước thế giới 22/3: Bài cuối - Xử lý nước thải cho tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long

Thời gian gần đây, việc xử lý nước thải tại Vịnh Hạ Long bước đầu đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, còn quá sớm để có thể khẳng định việc xử lý nước thải từ tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã được giải quyết một cách triệt để và lâu dài.

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về hiện trạng của vấn đề này, vì vậy để Vịnh Hạ Long xanh và phát triển bền vững cần có những giải pháp cụ thể nhằm xử lý ô nhiễm nước thải từ tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long.

Tàu du lịch - thách thức không nhỏ đến môi trường

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển bền vững: Khoảng 35% du khách bày tỏ quan ngại và than phiền về trải nghiệm tại Vịnh Hạ Long.

Di sản Danh thắng Vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trước đây, tàu du lịch hoạt động manh mún nhỏ lẻ, những năm gần đây do quy định của tỉnh nên đã có sự cải tiến, nhưng lịch sử để lại cũng không dễ thay đổi. Hiện chưa đến 10% tàu được lắp thiết bị xử lý rác thải đen vì 90% tàu cũ đóng theo truyền thống (thuyền buồm) nên không thể lắp đặt thêm hệ thống xử lý này.

Đội tàu dịch vụ khách trên Vịnh Hạ Long đem tới những trải nghiệm du lịch thú vị, trở thành một phần không thể thiếu trong các dịch vụ và hoạt động du lịch trên Vịnh. Lượng tàu du lịch đông đảo và tăng nhanh đem lại dịch vụ đầy đủ và phong phú, hấp dẫn cho khách du lịch.

Không chỉ cung cấp các dịch vụ tham quan Vịnh nửa ngày, một ngày, các tàu nghỉ đêm trên Vịnh là những khách sạn nổi, cung cấp các dịch vụ đa dạng từ nghỉ ngơi, ăn uống tới các dịch vụ vui chơi giải trí khác nhau, ở các mức chất lượng khác nhau, với nhiều thuyền khách sạn 4-5 sao, quy mô đón tiếp tới cả trăm khách.

Tuy vậy, đội tàu dịch vụ này cũng đem tới một thách thức mới cho môi trường Vịnh Hạ Long, đó là nước thải. Nếu như rác thải rắn từ tàu có thể được thu gom và mang lên bờ xử lý thì một lượng lớn nước thải từ các tàu, thuyền du lịch dường như không thể thu gom và xử lý tập trung, nhất là dầu thải từ quá trình chạy máy.

Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long, hiện Hải Phòng và Quảng Ninh đang có cơ chế chưa đồng nhất. Cụ thể như việc quy định tuổi tàu thì Quảng Ninh có quy định riêng, Hải Phòng vẫn theo tiêu chuẩn cũ.

Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành triển khai chương trình từ vốn ODA Nhật Bản (29,6 triệu USD) để thu gom toàn bộ nước thải trên bờ. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, chương trình, kế hoạch và đề tài, dự án nhằm bảo vệ môi trường nước Vịnh Hạ Long.

Chứng chỉ “Bông sen xanh” - giải pháp hữu hiệu


Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trương Hoàng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Quyết định 4088/2015/QĐ-UBND quản lý hoạt động tàu du lịch Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 21/12/2015, đã yêu cầu tất cả tàu tham quan phải trang bị thiết bị phân ly dầu nước hoặc tương đương sử dụng cho buồng máy (được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền); tàu lưu trú lắp động cơ diesel không phân biệt là động cơ chính hay phụ có tổng công suất lớn hơn 220 kW phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước; các tàu lưu trú còn lại phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước hoặc tương đương sử dụng cho buồng máy (được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền). Đến cuối năm 2017, theo báo cáo của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tất cả các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long đã đáp ứng được các yêu cầu trên.

Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết thêm, mặc dù tỉnh Quảng Ninh đã quy định 100% các tàu du lịch có hệ tách nước thải, mang về hệ thống thu gom tại cảng để xử lý... nhưng thực tế vẫn có tình trạng "thải trộm" và “thiếu hệ thống thu gom”. Vì vậy, đầu tư cho vấn đề này là một giải pháp quan trọng cho Hạ Long.

Sáng kiến gắn chứng chỉ “Bông sen xanh” cho tàu du lịch đạt tiêu chuẩn về xử lý nước thải và rác thải, đã nhiều lần được bàn đến và đang trong quá trình thử nghiệm cho thấy tính khả thi khá cao. Nhưng đây là chứng chỉ tự nguyện, đòi hỏi phải có biện pháp mạnh từ chính quyền. Ví dụ như tàu không có hệ thống xử lý nước thải thì không được cấp phép.

Quảng Ninh đang áp dụng niên hạn 15 năm đối với tàu du lịch vỏ gỗ và 25 năm đối với tàu vỏ thép, trong khi quy định của Bộ Giao thông Vận tải là 20 năm đối với tàu vỏ gỗ và 30- 35 năm đối với tàu vỏ thép. Tuy vậy, môi trường Vịnh Hạ Long phải được bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là khi Việt Nam đang đệ trình UNESCO lần thứ 3 công nhận Vịnh Hạ Long - Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. “Bên cạnh những quy định bắt buộc, Việt Nam cũng cần có phương thức thúc đẩy đầu tư tư nhân vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho hơn 500 tàu du lịch đang hoạt động tại Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà...”, đại diện IUCN khuyến cáo.

Diệu Thúy (TTXVN)
Nhân Ngày nước thế giới 22/3: Bài 2 - Thúc đẩy doanh nghiệp bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long
Nhân Ngày nước thế giới 22/3: Bài 2 - Thúc đẩy doanh nghiệp bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long

Phát triển du lịch tại các khu di sản thế giới được UNESCO khuyến khích từ nhiều năm qua. Tuy vậy, phát triển du lịch tại các khu du lịch cần được kiểm soát bởi bên cạnh những tác động tích cực, du lịch cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực, đe dọa sự phát triển bền vững của các khu di sản thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN