Nhà báo khoa học yêu hồ Hoàn Kiếm

“Nếu có ai yêu hồ Hoàn Kiếm hơn tôi thì tôi sẽ ghen với người đó, nhưng là ghen để càng yêu hơn, tìm hiểu nhiều hơn, để mình là người hiểu và yêu hồ Hoàn Kiếm nhất”, nhà báo Hà Hồng chia sẻ.

Mỗi bước chân một câu chuyện

Bước chân vào phòng làm việc của nhà báo Hà Hồng - Trưởng ban Khoa học - Giáo dục (báo Nhân Dân), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, tưởng như bước chân vào một phòng triển lãm, một bảo tàng sống về hồ Hoàn Kiếm. Căn phòng nhỏ với bộ bàn ghế cũ giản dị, khắp phòng là những bức ảnh về hồ Hoàn Kiếm đủ 4 mùa: Xuân, hạ, thu, đông.

Nhà báo Hà Hồng vẫn luôn tự nhận mình là “gã hâm”, khi một ngày anh có thể dạo quanh hồ vài lần, để lắng nghe và cảm nhận từng hơi thở cuộc sống lắng đọng ở hồ Hoàn Kiếm này. Hà Hồng kể, cuộc sống cũng như một vòng tròn, điều tinh túy nhất sẽ nằm trọn ở hồng tâm của vòng tròn đó. Cũng như vậy, hồ Hoàn Kiếm là trái tim của Hà Nội, lắng nghe từng hơi thở cuộc sống ở đây, có thể thấy được tinh hoa của Hà Nội, một Hà Nội rất đỗi giản dị, đời thường và gắn bó.

Nhà báo Hà Hồng chụp ảnh cùng “cụ rùa” hồ Hoàn Kiếm (ảnh nhân vật cung cấp).


Suốt những năm tháng gắn bó với hồ Hoàn Kiếm kể từ khi làm việc tại báo Nhân Dân và hơn 10 năm dồn tâm huyết tìm hiểu, Hà Hồng đã có cả một kho tàng hơn 1.000 câu chuyện và hơn 500.000 file ảnh về hồ Hoàn Kiếm. Anh dồn tâm huyết lập trang web: www.hohoankiem.org, là nơi sẻ chia với những người yêu hồ, cũng là nơi để anh gửi gắm niềm đam mê và tình yêu của mình với hồ Hoàn Kiếm, đến nay trang web này đã có hơn 20 triệu lượt truy cập.

Trong số những câu chuyện ghi lại, ấn tượng nhất với Hà Hồng là câu chuyện cô bé ăn xin bên hồ. Đó là vào năm 2007, trong một ngày mùa đông rét buốt, vợ chồng anh Hải, một doanh nhân trên phố Đội Cấn đến ăn sáng tại quán phở trên phố Hàng Hành. Trong lúc 2 vợ chồng anh đang ăn, thì một cô bé chừng 8 tuổi đứng lấp ló sau gốc cây ven đường nhìn vợ chồng anh chằm chằm. Thấy vậy, anh vẫy cô bé lại hỏi chuyện, cho cô bát phở nhưng cô bé từ chối, cô bé nói rằng, cô chỉ muốn chờ vợ chồng anh ăn xong để xin đồ ăn thừa. Câu nói đó, cùng hình ảnh một bé gái chỉ trạc tuổi con mình mặc chiếc áo mỏng tang trong mùa đông rét buốt đã khiến vợ chồng anh Hải quyết định nhận cô bé về làm con nuôi, dù khi đó hai vợ chồng đã có 2 đứa con.

Cô bé ăn xin được đưa về ở trên tầng 3 của ngôi nhà, anh chị không để con nuôi thiếu thốn thứ gì, 2 con anh chị có gì, bé có cái đó. Năm cô bé được 18 tuổi, em đem lòng yêu một cán bộ công tác tại Bộ Tư lệnh Lăng, hai bên muốn đi đến hôn nhân, nhưng lại rất khó khăn vì cô cần phải có một lý lịch rõ ràng, trong khi cô không còn nhớ gì về cha mẹ đẻ của mình. Suốt 2 năm, hai vợ chồng anh Hải cố gắng làm thủ tục nhận con nuôi cho cô nhưng không suôn sẻ. Rồi một ngày cô bé bị tai nạn qua đời, cũng đúng ngày hôm đó, vợ chồng anh Hải nhận được tin mừng là đã nhập hộ khẩu cho cô thành công để cô có thể kết hôn…

“Ba năm sau, khi được nghe câu chuyện này, tôi đến thăm nhà vợ chồng anh Hải ở Đội Cấn, thấy phòng cô bé vẫn được giữ nguyên, khung ảnh vẫn để trên bàn. Vợ anh Hải không giấu được xúc động ôm bức ảnh mà khóc, lòng mình cũng có cái gì đó nghèn nghẹn”, nhà báo Hà Hồng kể.

Ai đó đã từng nói, khi thật sự yêu và tha thiết với điều gì, thì ngay cả khi nó hiện hữu trước mắt, bạn sẽ vẫn nhớ và nghĩ về nó. Hà Hồng là một người như vậy, đứng trước hồ Hoàn Kiếm vào ngày mưa xuân, ngay cả trong thời khắc bấm máy bức ảnh chiếc lá lộc vừng hé nụ bên hồ, anh vẫn thấy “nhớ Hồ Gươm ngay cả khi đang chụp bức ảnh này”. Hay khi phát hiện một cây xanh vô tình bị buộc thân bằng những dây sắt khiến cây bị thắt ngang, anh cảm thấy như mình bị một nhát dao cứa vào da thịt…

Từ anh lái xe ôm trước cổng đền Ngọc Sơn cho đến người hát rong ven hồ, hay bóng dáng những “Bà Loan trứng vịt lộn”, chân dung bà lão gần nửa đời gắn với quán nước chè ven hồ… Hoặc những phản ánh vi phạm, sai trái như một cơ sở xây dựng mái tôn không phép gây mất mỹ quan, cho đến tình trạng ô nhiễm, vứt rác ra hồ… đi vào câu chuyện của Hà Hồng rất đỗi tự nhiên và bình dị nhưng lại sâu sắc, thấm thía và luôn ám ảnh đến kỳ lạ. Cũng ở những câu chuyện ấy, người ta thấy được tình yêu mãnh liệt của anh, yêu và đấu tranh bảo vệ hồ.

Ấp ủ lập bảo tàng

Hà Hồng kể, làm nghề báo nên anh bám sát sự kiện để mô tả và truyền tải nó đến với bạn đọc một cách khách quan nhất. Và cũng trong những lần “tác nghiệp” ấy, anh đã gom góp được hàng trăm kỷ vật. Anh tiết lộ đang ấp ủ xây dựng một bảo tàng kỷ vật hoặc quán café kỷ vật của những nhân vật anh viết ven hồ.

Nhẹ nhàng, nâng niu mở ngăn tủ trong phòng làm việc, anh mang ra một cây tiêu. Đây là cây tiêu của ông cụ tóc bạc Lê Quang Châu hay thổi bên hồ Hoàn Kiếm. Cứ tháng 12 hàng năm là ông già tóc bạc lại ngồi bên cây lộc vừng 9 gốc ven hồ thổi tiêu bài Hồn tử sĩ. Sau nhiều năm ngồi nghe ông thổi, Hà Hồng được nghe kể câu chuyện hết sức cảm động về người đàn ông thổi tiêu này. Vào những ngày mùa đông 1946, khi cả Hà Nội sục sôi đánh Pháp, ông Châu mới 13 tuổi, bố mẹ bắt đi tản cư trong khi những người bạn nhỏ của ông xung phong ở lại tình nguyện tải đạn cho chiến sỹ Thủ đô đánh giặc. Lúc đó, quanh chỗ ông Châu ngồi thổi tiêu bây giờ (giữa cây lộc vừng và Tháp Bút) chính là chiến lũy để đánh giặc và các bạn của ông đã tử nạn ở đó. Vì vậy, mỗi dịp cuối năm, ông Châu lại đến đây thổi tiêu nhở về những người bạn của mình, nhắc nhớ đến sự hy sinh thầm lặng của những con người vô danh.

“Đó là nét văn hóa của người Hà Nội, yêu cái đẹp và cái tình cái nghĩa. Sau đó ông Châu có tặng lại tôi cây tiêu này, cũng từ đây tôi có ý tưởng xây dựng bảo tàng kỷ vật những con người Hà Nội với hồ Hoàn Kiếm”, Hà Hồng chia sẻ.

Một kỷ vật khác cũng được Hà Hồng giữa gìn như vật báu, là chiếc đĩa sứ vẽ hai người yêu nhau đang ngồi trên ghế đá, cạnh cây liễu, phía xa là Tháp rùa. Mặt sau đĩa có trích câu thơ:

“... Có những chiều không biết cất vào đâu...“ của Thi Hoàng, phía dưới ký tên Nguyễn Huy Thiệp tặng cho Hà Hồng.

Để ngay ngắn trong góc tủ là một miếng bùn khô cán mỏng như chiếc bánh đa anh lấy từ dự án thí điểm hút bùn cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm năm 2009. Là một nhà báo khoa học, Hà Hồng chứng kiến cảnh hút bùn từ đầu đến cuối và lưu giữ mảnh bùn có chữ ký của nhân viên điều khiển hệ thống xử lý và các kỹ sư có mặt ở đó. Đây là miếng bùn có hạt phù sa bồi tụ cách đây hơn 600 năm, khi hồ Hoàn Kiếm còn là hồ Lục Thủy trước khi được gọi là hồ Hoàn Kiếm…

Những kỷ vật ấy tưởng như vô tri, nhưng với Hà Hồng, chúng đều có hồn, đều là vật báu. Anh chia sẻ, mong muốn của anh là khi về hưu sẽ có một quán bên hồ Hoàn Kiếm, ở đó có những bức tranh panorama phong cảnh hồ Hoàn Kiếm đẹp nhất mà anh chụp, có video đăng tải toàn bộ clip, phóng sự về hồ Hoàn Kiếm mà anh đã ghi lại, có khu trưng bày kỷ vật của những nhân vật trong câu chuyện của anh, cùng những món ăn đặc trưng của Hà Nội… để khách đến đây, không chỉ được thưởng thức ẩm thực Hà Nội mà còn thấy được nét đẹp văn hóa - lịch sử nơi đây.
Thu Trang
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN