Theo công ty điện lực tỉnh Ninh Thuận, hiện tại trên địa bàn tỉnh còn 81 khu vực dân cư thuộc 35 xã, phường có tình trạng các hộ dân tự kéo điện từ trụ điện hạ thế nơi đặt công tơ chính về để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Ông Võ Huấn ở khu dân cư Mỹ Đa (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) cho biết, ngành điện chỉ đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện, còn phía sau công tơ thì người dân mạnh ai nấy kéo nên đường dây không đảm bảo.
Dây điện do người dân tự kéo được chống đỡ bằng những thân tre bị mục nát, siêu vẹo tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước. |
“Đợt vừa rồi có mưa bão khiến cột điện ngã xuống, anh em phải bỏ công đi dựng lại. Nguy hiểm nhất là khi cột điện ngã xuống xe bò, học sinh đi qua lỡ không biết rờ vào dây điện bị hở sẽ gây chết người”, ông Huấn lo ngại.
Theo đại diện Công ty điện lực Ninh Thuận, theo quy định của Luật điện lực (hiệu lực từ 1/7/2005), ngành điện tại các địa phương được phép đặt công tơ điện ở trụ điện để giảm bớt chi phí cho người dân. Trước khi đóng điện cho khách hàng công ty điện lực sẽ kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật của các đường dây thì mới tiến hành đóng điện để đưa vào vận hành.
Các hộ dân tự kéo điện về sử dụng một phần nguyên nhân xuất phát từ việc các hộ tự giãn về khu vực cuối thôn để sinh sống hoặc sinh sống trên đất nông nghiệp và hình thành khu dân cư mới, do đó lưới điện chưa kịp thời phát triển đến để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng các hộ dân cũng không kịp thời sửa chữa nên đường dây bị xuống cấp.
Hiện các đường dây điện tự kéo ở các khu dân cư như Mỹ Đa (xã Phước Hải) thôn Bình Quý (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước); khu phố Cà Đú (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải), thôn Đá Bắn (xã Hộ Hải) nhiều cột điện dựng tạm từ gỗ, tre đang “oằn mình” chịu tải hàng chục đường dây điện, nhiều chỗ bị xiêu vẹo, gãy mục.
Ông Lê Hải Quân, Chủ tịch UBND xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải cho hay, các trụ điện hạ thế đặt xa khu dân cư nên có nơi người dân phải tự kéo đường dây điện cả cây số trên các cột tạm. Đường dây dẫn không đảm bảo dẫn đến nguồn điện bị yếu, chất lượng thấp dễ xảy ra chập điện. Trong khi chờ phương án đầu tư các trụ điện kiên cố, xã tuyên tuyền vận động người dân thay thế những trụ điện đã gãy đổ và thường xuyên kiểm tra độ an toàn các đường dây điện.
Ông Trần Quốc Danh, Chánh văn phòng Công ty điện lực Ninh Thuận cho biết, trong năm 2017 để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng điện tại các khu dân cư, công ty có kế hoạch đầu tư 25 công trình lưới điện phân phối để giải quyết nhu cầu cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất và giải quyết vấn đề an toàn điện tại 64 khu vực dân cư. Theo đó, xây dựng mới và cải tạo 36,1 km đường dây trung áp, 138,8 km đường dây hạ áp và xây dựng thêm 88 trạm biến áp.
Năm 2018, công ty điện lực Ninh Thuận sẽ tiếp tục đầu tư phát triển lưới điện để giải quyết nhu cầu điện sinh hoạt, sản xuất và giải quyết vấn đề an toàn điện của 17 khu vực còn lại. Hiện tại, công ty cùng các bên liên quan hiện đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng và mở rộng mạng lưới điện tại các khu dân cư thay thế hệ thống lưới điện đã xuống cấp.
Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)